Mới đây, một phụ huynh đã chia sẻ ý kiến về bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà trong sách Tiếng Việt lớp 5 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống trúc trắc, khó hiểu. Sau đó một số fanpage và người quan tâm đến giáo dục đã chia sẻ bài thơ: "Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?".
Ngay lập tức bài thơ Tiếng hạt nảy mầm tạo nên 2 luồng ý kiến. Một bên quan điểm "chê" bài thơ và một bên cảm nhận cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của một bài thơ "đặc biệt" này.
Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm như sau:
Mắt sáng, nhìn lên bảng
Lớp mươi nụ môi hồng
Đôi tay cô cụp mở
Báo tưng bừng thanh âm.
Cánh sẻ vụt qua song
Hót nắng vàng ánh ỏi
Các bé vẫn lặng chăm
Nhìn theo cô mấp máy.
Sau ngón tay cô đấy
Là tiếng hạt nảy mầm
Tiếng lá động trong vườn
Tiếng sớm mai mẹ gọi.
Tiếng cuộc đời sâu vợi
Con tàu biển buông neo
Ngôi sao mọc rừng chiều
Vó ngựa ran vách đá.
Bao nghĩ suy vất vả
Trong mắt người lo toan
Để từng âm có nghĩa
Bật lên từ môi em.
Nghe cánh vỗ chim non
Trước diệu kì tiếng hót
Giữa hồn nhiên lớp học
Ai nụ cười rưng rưng.
Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà là bài số 5 trong tuần 3, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Với bài thơ này, học sinh sẽ có yêu cầu chơi trò chơi nghe từ ngữ, đoán âm thanh. Sau đó, học sinh sẽ trả lời câu hỏi: Chi tiết nào giúp em nhận ra đây là lớp học của trẻ khiếm thính (mất khả năng nghe và nghe kém)? Theo em, những khó khăn, thiệt thòi của các bạn học sinh trong bài thơ là gì? Cô giáo đã gợi lên trong tâm trí học trò những hình ảnh và âm thanh nào của cuộc sống?...
Trao đổi với PV báo Dân Việt về nội dung bài thơ, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là giáo viên và hiệu triệu trưởng Trường THCS Tân Hải, huyện Phú Tân, Cà Mau và có 3 tác phẩm nằm trong bộ sách Chân trời sáng tạo cùng nhiều tác phẩm trong Chương trình Giáo dục địa phương, nêu quan điểm: "Tôi thật sự đau lòng khi bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà bị chê bai, mắng mỏ, dù cũng có nhiều người hiểu và khen bài thơ này.
Với cách cảm thụ của người đọc và cách hiểu của một giáo viên Văn được đào tạo bài bản, tôi đánh giá bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động, dễ thương, dễ hiểu. Bối cảnh bài thơ được viết cho một lớp học khiếm thính. Bạn hình dung không gian im lặng, hoàn toàn im lặng, mọi âm thanh không thể nào được trẻ khiếm thính cảm nhận được dù vang động đến đâu.
Các em học ngôn ngữ ký hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô. Và kìa, như hạt nẩy mầm trên đá, hoa nở trong sa mạc, âm thanh cuộc sống ùa về trên bàn tay cô, trong ánh mắt ngập tràn yêu thương...
Bài thơ xúc động bởi ý nghĩa nhân văn mà Tô Hà làm được. Sự hoà nhập cuộc sống bình thường dẫu muôn trùng khó khăn của trẻ khiếm thính được nhà thơ "chụp" lại vô ngần trong trẻo, như một bản nhạc nẩy lên trong tịch mịch im lặng của thế giới âm thanh không thể chạm vào.
Trẻ khi được học bài thơ này sẽ hiểu và thông cảm hơn với trẻ khuyết tật khiếm thính. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn bởi sự đón nhận những con người lạc quan dù họ không hoàn hảo.
Không phải ai cũng đủ tiền để lo trọn vẹn hành trình cấy điện cực ốc tai, cần một số tiền rất rất lớn. Và dù cấy điện cực ốc tai xong thì chưa hẳn đã nghe được âm thanh nếu không thông qua hành trình tập luyện rất kiên nhẫn trong thời gian dài. Cho nên ngôn ngữ ký hiệu đã thay cho tất cả.
Bỏ qua sự cảm tính của tôi thì bài thơ vẫn rất tròn vẹn, dùng từ rất đắt, chọn lọc. Ví dụ từ mà mọi người lên án "Hót nắng vàng ánh ỏi", nhiều người chê nhà thơ dùng từ sai, lẽ ra là "óng ả" chứ sao lại "ánh ỏi". Ánh ỏi nghĩa là ngân vang, vút cao. Vậy thì tiếng chim hót trong nắng nó ngân vang vút cao hay nó phải màu vàng? Đến lúc này chúng ta đều biết vì sao nhà thơ dùng từ "ánh ỏi" mà không là từ "óng ả" hay từ nào đó khác. Tiếng Việt giàu và đẹp nhờ vào những biện pháp tu từ này.
Văn chương nghệ thuật, sứ mệnh là gì? Là hướng thiện! Là vì sự tốt đẹp của con người! Vậy thì ngôn từ đặc sắc, ý nghĩa bao dung, bài thơ này chỗ nào không xứng?".
Với gần 40 năm là thầy giáo dạy Văn ở Bình Định, thầy Ngô Văn Cừ cho biết: "Tôi thấy đây là một bài thơ hay và nhân văn. Một vài chữ dùng gượng ép như "ánh ỏi" không làm ảnh hưởng đến nội dung bài thơ. Nhiều người cho rằng bài thơ khó hiểu thì không học sao hiểu được! Giáo viên cũng phải đọc trước, tìm hiểu nội dung, nghệ thuật bài thơ mới hướng dẫn cho học sinh học. Các môn khác cũng vậy, học sinh dễ gì hiểu được bài ngay mà không có giáo viên hướng dẫn.
Tôi thấy bài này hình ảnh, nhịp thơ, sự liên tưởng, phù hợp với tâm sinh lý tuổi lớp 5, gợi được trí tưởng tượng, nuôi dưỡng lòng yêu thiên nhiên, con người... của những học sinh khiếm thính. Một bài văn, theo tôi, đưa vào sách giáo khoa, lớp 5 là phù hợp".