Dân Việt

Tỉnh nào ra đời muộn nhất tại miền Bắc?

Hoàng Lê 05/10/2024 18:33 GMT+7
Tỉnh này ra đời cách đây vừa tròn 20 năm, là tỉnh mới nhất của khu vực miền Bắc nước ta.

Tỉnh nào ra đời muộn nhất tại miền Bắc?

Năm 2004, tỉnh Điện Biên chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Lai Châu. Khi ấy, tỉnh Điện Biên bao gồm thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi), 5 huyện Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa và một phần huyện Mường Lay. Đến hiện tại, tỉnh này có thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và 8 huyện.

Điện Biên là một tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Nhắc đến Điện Biên, người ta thường nhớ về một mảnh đất oai hùng với những chiến công hiển hách, mảnh đất thân thương với chiến thắng Điện Biên Phủ đầy tự hào, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ngoài những trang vàng lịch sử, nơi đây còn gây ấn tượng với du khách bởi sự kỳ vĩ của núi rừng trùng điệp, sự hiểm trở của con đèo Pha Đin huyền thoại, hay cánh đồng Mường Thanh với những mảng màu tuyệt đẹp mỗi độ hè về.

img

TP. Điện Biên Phủ

Trước đây, thành phố Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu. Đến cuối năm 2003, Quốc hội phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính, trong đó chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên.

Tỉnh Điện Biên sau khi chia tách là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu mới, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Lào. Diện tích đất tự nhiên tỉnh Điện Biên là hơn 9.550km2, dân số hơn 600.000 người.

img

Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố (Điện Biên Phủ), 1 thị xã (Mường Lay), 8 huyện (Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ẳng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ). Cách thủ đô Hà Nội 474 km đường bộ, có đường biên giới với hai quốc gia là Lào và Trung Quốc, trong đó đường biên giới với Lào dài 360km, với cặp cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc và cặp cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc - Na Son; trên tuyến biên giới với Trung Quốc dài 40,861km có lối mở khẩu A Pa Chải - Long Phú. Ngoài các tuyến quốc lộ, Cảng Hàng không Điện Biên Phủ hiện đang khai thác đường bay Điện Biên Phủ - Hà Nội với tần suất 02 chuyến bay mỗi ngày.

Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch lịch sử, du lịch sinh thái và văn hóa, trong đó nổi bật nhất là Di tích chiến trường Điện Biên Phủ (một trong những Di tích cấp quốc gia đặc biệt) và những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú với quang cảnh rừng núi, hệ thống hang động, nguồn nước khoáng nóng và hồ nước trải khắp nơi góp phần làm đa dạng nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh.

Đến với Điện Biên, du khách sẽ được tham quan Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ ghi dấu chiến dịch 56 ngày đêm “Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Các Di tích tiêu biểu như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồi A1, Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đồi Him Lam, Đường kéo pháo... đã trở thành những chứng tích lịch sử ghi lại trận chiến oanh liệt và các công trình như Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... là những công trình văn hóa lịch sử được dựng lên để lưu giữ, ghi công và tôn vinh giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ.

img

img

img

img

Cảnh đẹp Điện Biên

Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, điển hình là dân tộc Thái, dân tộc H'Mông. với những nét văn hoá đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, rất thích hợp để phát triển du lịch văn hoá.

Bên cạnh đó Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ...