Giới trẻ trải nghiệm hoạt động cưỡi ngựa kết hợp với bắn cung. Clip: Trung Hiếu.
Lần đầu tiên bước đến chuồng ngựa, chị Bùi Bích Lan Vi (22 tuổi, Thanh Xuân) không tránh khỏi cảm giác hồi hộp. Bàn tay chị Vi vuốt nhẹ lên lớp lông mềm mại của một chú ngựa, như một cách để làm quen với con vật này. Đặt chân vào bàn đạp và cố gắng hết sức để trèo lên yên ngựa, cô gái 22 tuổi có một chút bỡ ngỡ lúc đầu. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên, chị Vi đã nhanh chóng thả lỏng cơ thể để di chuyển nhịp nhàng theo từng bước đi của ngựa.
Tiếng vó ngựa lộp cộp vang lên, hòa cùng tiếng cười nói của mọi người. Chị Vi ngồi thẳng lưng trên yên ngựa. Đôi mắt cô gái 22 tuổi tỉ mỉ để ý những tín hiệu phát ra từ con ngựa như đôi tai vểnh lên, cái đuôi vẫy nhẹ... để điều chỉnh dây cương. Hoàn thành 40 phút tập luyện trên lưng chú ngựa có bộ lông bóng mượt trong nắng, chị Vi nói: “Điểm thú vị nhất là khi mà ngựa di chuyển, lưng của bạn ấy với cơ thể của mình như được đồng nhất theo một nhịp, mình rất thích thú khi được lắc lư theo nhịp di chuyển của ngựa”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Vi cho biết: “Mình quyết định đăng ký học cưỡi ngựa sau khi xem một số video trên mạng xã hội, trông người cưỡi rất thư giãn và thoải mái. Hôm nay là buổi tập đầu tiên, mình cảm thấy khá hợp với thú chơi này. Sau khóa học, mình kỳ vọng có thể vừa cưỡi ngựa, vừa bắn cung để quay video đăng tải lên mạng xã hội khoe bạn bè”.
Còn anh Nguyễn Thanh Liêm (23 tuổi, quê Lạng Sơn) đã học cưỡi ngựa được 2 năm nay. “Hiện tại, mình có thể cưỡi ngựa một cách thuần thục. Nhiều người xem những bộ phim cổ trang thì nghĩ rằng việc cưỡi ngựa rất nhẹ nhàng và đơn giản. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của mình cho thấy, hoạt động này đòi hỏi người cưỡi dùng rất nhiều sức lực, đặc biệt là ở các nhóm cơ hông”, anh Liêm cho hay.
Vừa xuống khỏi yên ngựa, chàng trai 23 tuổi tiếp lời: “Mình cảm thấy việc tập cưỡi ngựa giúp mình có một sức khỏe tốt hơn, giúp cơ thể mình trở nên dẻo dai và linh hoạt. Nhiều khi mình xem lại các video quay cảnh mình cưỡi ngựa thì thấy rất "ngầu", khiến mình rất vui”.
Mải mê chải lông, vuốt ve cổ chú ngựa mà bản thân hay tập cưỡi, anh Matth (30 tuổi, người Bỉ) tâm sự: “Tôi bắt đầu học cưỡi ngựa tại đây từ tháng 6, ban đầu tôi hơi sợ, nhưng đến giờ tôi đã quen với chúng và cảm thấy thoải mái khi ở bên những chú ngựa. Việc "giao tiếp" với ngựa thực sự rất khó, tôi phải mất nhiều thời gian để hiểu tính cách của nó và hướng dẫn nó nghe lời”.
Theo anh Matth, anh thường đến tập cưỡi ngựa cùng những người bạn tới từ nước Pháp, họ rất cao và chỉ những chú ngựa tại khu tập luyện này mới phù hợp với chiều cao của họ. “Ở châu Âu, người cưỡi ngựa thường sử dụng lực ở chân để chỉ đường cho ngựa. Còn tại Việt Nam, để cưỡi ngựa, tôi nhận thấy cần sử dụng khẩu lệnh nhiều hơn. Tôi thường tới đây để tập luyện 2 lần mỗi tuần”, anh Matth nói.
13 giờ 30 phút, trước giờ học viên đến lớp, chị Ngô Hương Quỳnh (23 tuổi) - huấn luyện viên dạy cưỡi ngựa tới khu vực chuồng nuôi, vuốt ve từng chiếc bờm, cẩn thận kiểm tra móng và dây cương cho các chú ngựa.
Chị trò chuyện với phóng viên Dân Việt: “Ngựa có linh tính khá cao, chúng có thể cảm nhận được người ngồi trên lưng có 'dễ bắt nạt' hay không, thông qua cách mà họ điều khiển cương, tông giọng nói... Theo kinh nghiệm giảng dạy của mình, học viên mới thường khó khăn ở bước chạy nước kiệu. Họ thường chưa cảm nhận được nhịp của con ngựa nên dễ bị bật ra khỏi yên ngựa”.
Chỉ tay vào không gian được quây thành vòng tròn và có một chú ngựa phía trong, chị Quỳnh tiếp lời: “Đối với những học viên mới làm quen với việc cưỡi ngựa, họ sẽ được tập trong không gian khá nhỏ và giới hạn để đảm bảo sự an toàn. Khi học viên đã có thể điều khiển ngựa linh hoạt theo ý của bản thân rồi, họ sẽ được tập trong những không gian mở hơn. Bởi vì khi ra những không gian mở, ngựa sẽ rất dễ bị ngợp, dẫn đến cuồng chân. Chính vì thế, người cưỡi ngựa phải có kinh nghiệm và vững tâm để có thể điều khiển ngựa ở những không gian mới lạ”.
Theo chị Quỳnh, để có thể thực hiện động tác cưỡi ngựa bắn cung, học viên cần phải cưỡi ngựa phi nước đại tốt trước đó. “Lý do là bởi vì khi mà mình cưỡi ngựa tốt rồi, mình mới dám thả hai tay và tin tưởng giao phó đường đi cho ngựa để làm được những điều mà mình muốn. Còn khi mà mình phi ngựa chưa được tốt, người cưỡi không nên làm bất cứ hành động gì khác trên lưng ngựa”, chị Quỳnh cho biết.
Anh Phạm Văn Phúc (35 tuổi) - chủ nhiệm một câu lạc bộ dạy cưỡi ngựa tại Hà Nội chia sẻ: “Mỗi tháng, câu lạc bộ bên mình đón trung bình từ 120 - 130 lượt khách. Đa phần các học viên là nữ, chiếm khoảng 80% tổng số lượng khách, độ tuổi của họ khá trẻ, thường dao động từ 22 - 27 tuổi. So với năm ngoái, lượng học viên năm nay tăng lên gấp 3 đến 4 lần”.
Trong giờ giải lao của học viên, anh Phúc tâm sự, giáo trình dạy cưỡi ngựa của câu lạc bộ có sự tham khảo từ sách của các nước phương Tây. Tuy nhiên, anh đã sửa đổi khá nhiều điểm để phù hợp với giống ngựa được nuôi tại Việt Nam: “Bên mình có hai khóa học là khóa cơ bản và khóa nâng cao. Mỗi khóa đều gồm 12 buổi, trong đó khóa học nâng cao sẽ tập trung vào việc hướng dẫn học viên điều khiển những chú ngựa một cách linh hoạt hơn và thực hiện các kỹ thuật trên lưng ngựa như cưỡi ngựa, bắn cung hay cưỡi ngựa, múa thương. Học phí của khóa cơ bản và khóa nâng cao lần lượt là 6,5 triệu đồng và 6 triệu đồng”.
Khi được hỏi về dự định phát triển câu lạc bộ trong tương lai, anh Phúc cho hay: “Trong tương lai, mình mong muốn có thể mở thêm nhiều cơ sở dạy cưỡi ngựa khác ở các tỉnh, thành trên cả nước để cho học viên có nhiều không gian trải nghiệm hơn. Mình cũng dự tính sẽ đẩy mạnh thêm các hoạt động quảng bá về văn hóa, lịch sử thông qua hoạt động cưỡi ngựa như giới thiệu các loại trang phục cổ của người Việt hoặc nghiên cứu về áo giáp…”.