Thầy Trương Văn Hiến vốn người Hoan Châu (Hà Tĩnh), vì lẫn trốn sự truy đuổi của kẻ thù nên đã phiêu dạt vào Bình Định sinh sống. Tại đây, nhờ văn võ toàn tài, thầy Trương Văn Hiến đã tạo lập được uy tín, học trò đến xin theo học rất đông.
Theo lịch sử ghi chép, võ của thầy không đơn thuần là những bài quyền để thị uy sức mạnh, phân đua cao thấp, mà võ còn là “võ đạo” – đạo lý làm người trong những bài võ. Học trò sau khi được thầy dạy võ không chỉ bảo vệ được mình mà quan trọng hơn là cứu người và cứu đời.
Về việc dạy học, Trương Văn Hiến được mệnh danh là nhà giáo nổi tiếng hàng đầu trong sử Việt. Bởi lẽ, lúc sinh thời, ông có tới hai người học trò về sau trở thành hoàng đế là Nguyễn Nhạc (Thái Đức Hoàng đế) và Nguyễn Huệ (Quang Trung Hoàng đế), còn một người học trò khác sau xưng vương là Nguyễn Lữ (Đông Định vương).
Sách Những người thầy trong sử Việt thông tin, Trương Văn Hiến vốn là người rất kén chọn học trò, không phải ai đến xin học cũng được thầy thu nạp. Vậy mà, như gặp cơ duyên, thầy Trương Văn Hiến đã nhận lời lên đất Tây Sơn để nhận lời dạy học cho 3 anh em nhà họ Nguyễn.
Không chỉ dạy ba anh em nhà Tây Sơn, thầy Trương Văn Hiến còn góp công đào tạo nên những viên tướng lừng danh khác của nhà Tây Sơn như Võ Văn Dũng - người sau trở thành quan Tư đồ, đứng đầu thất hổ tướng của nhà Tây Sơn; hai vị đô đốc Đặng Văn Long và Phan Văn Lân – những người đã góp công lớn trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào Tết Kỷ Dậu (1789).
Bên cạnh đó, thầy giáo Trương Văn Hiến cũng có những học trò là quan văn xuất sắc như hai anh em Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh, những người về sau trở thành quan văn của nhà Tây Sơn, tác giả của bộ sử Tây Sơn thư hùng ký – tiếc là bộ sách này đến nay đã không còn.
Đặc biệt trong số các học trò của thầy Hiến còn có Trương Văn Đa – vừa là học trò, đồng thời là con trai của thầy. Sau này, nhờ giỏi võ nên Trương Văn Đa lập được rất nhiều chiến công trên chiến trường, chém được nhiều tướng địch trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1785), được Nguyễn Nhạc tin yêu gả con gái cho.