Dân Việt

"Có phải em mùa thu Hà Nội" - những điều khuất lấp

Theo Nông Hồng Diệu 06/10/2024 12:05 GMT+7
“… Có phải em mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…”. Khi thu Hà Nội đẹp đến nao lòng, từ thành phố Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Nguyễn Thị Thuận tâm sự về “đứa con tinh thần” nổi tiếng của chồng - nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

"Cho đến khi về với Chúa, ông ấy vẫn chưa một lần được đặt chân đến mảnh đất đã chắp cánh cho ông thăng hoa trong âm nhạc. Mùa thu Hà Nội vĩnh viễn chỉ sống trong tiềm thức của ông", vợ nhạc sĩ Trần Quang Lộc chia sẻ. 

Bà cho biết thêm, cha đẻ “Có phải em mùa thu Hà Nội” chống chọi với bệnh tật nhiều năm thì ra đi trong vòng tay người thân, học trò, đồng nghiệp.

Đi đâu cũng mang theo cây đàn ghi ta

Nhiều tài liệu ghi, nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949. Nhưng bà Nguyễn Thị Thuận khẳng định: “Tôi sinh năm 1949. Nhà tôi sinh năm 1948. Chênh nhau 1 tuổi”. Nghệ sĩ vốn không tuổi, nhưng năm sinh chính xác của ông cũng nên đính chính lại.

"Có phải em mùa thu Hà Nội" - những điều khuất lấp - Ảnh 1.
"Có phải em mùa thu Hà Nội" - những điều khuất lấp - Ảnh 2.

Cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc thời trẻ và sau này.

Sức khoẻ của tác giả “Có phải em mùa thu Hà Nội” đã “báo động” từ nhiều năm trước khi mất. “Hồi đó tôi theo ông sang Cali (Mỹ) làm mấy chương trình tôn vinh tác giả, tác phẩm. Ở bên đó, đồng nghiệp cũng ưu ái ông lắm, họ nấu một nồi cháo hến mời ông ăn. Đến tối, ông bị ói, mệt nặng. Khi đưa vào bệnh viện thì phát hiện cục u trong bàng quang. Ông buồn lắm, lúc đó mới xong được 2 chương trình, vẫn còn chương trình nữa chưa xong nhưng chúng tôi vẫn mua vé về Việt Nam, vì ở Mỹ chồng tôi không có bảo hiểm, chi phí quá đắt đỏ.

Trở về Việt Nam, ông nhập viện ở TP Hồ Chí Minh. Nghe tin ông nhập viện, nhiều ca sĩ nổi tiếng gốc Bắc đến thăm như ca sĩ Hồng Nhung, ca sĩ Bằng Kiều, ca sĩ Thu Phương”, bà Thuận nhớ lại.

"Có phải em mùa thu Hà Nội" - những điều khuất lấp - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (phải) và nhạc sĩ Tiến Luân (trái), tác giả “Quê em mùa nước lũ”.(Ảnh do con trai cố nhạc sĩ và nhạc sĩ Tiến Luân cung cấp)

Dù Trần Quang Lộc đã rời xa nhân thế hơn 4 năm nhưng người bạn đời của ông vẫn nhớ câu nói của Thu Phương hôm đến thăm ông ở bệnh viện: “Sau khi tặng chồng tôi một khoản chi phí, Thu Phương nói: Cô ạ, cô cố gắng chăm cho chú khoẻ. Khi sức khoẻ chú hồi phục, cô nhắn con, con mua vé máy bay để cô chú ra thăm Hà Nội. Chú chưa biết gì về Hà Nội mà viết bài hát về Hà Nội hay quá. Thu Phương nói vậy làm tôi cảm động ứa nước mắt”.

Nhưng rồi ước nguyện ngắm thu Hà Nội của Trần Quang Lộc vĩnh viễn không thành. Sau này, ông còn bị phát hiện thêm ung thư phổi. Bà Thuận nhẹ nhàng an ủi chồng: “Tại bố hút nhiều thuốc đó. Thôi ráng lên”.

"Có phải em mùa thu Hà Nội" - những điều khuất lấp - Ảnh 6.
"Có phải em mùa thu Hà Nội" - những điều khuất lấp - Ảnh 7.

Cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc thời trẻ và sau này.

Nhưng ngay cả khi bệnh tật đổ xuống, nhạc sĩ Trần Quang Lộc vẫn cố gắng làm việc: “Tôi biết rõ tình trạng sức khoẻ của chồng ở từng thời điểm nhưng mình không muốn nói trực tiếp với ông, nói ra thì sợ ông buồn. Bệnh tật nhưng người ta đặt hàng ông vẫn làm, có khi mười ngón tay còn đang đặt trên phím piano thì cái đầu đã gục xuống thành đàn vì quá mệt”, vợ ông kể.

Phóng viên hỏi, ông làm vì đam mê hay vì mưu sinh? Suốt trong cuộc trò chuyện bà Thuận luôn khẳng định, bà chỉ biết nói thật nên tôi không ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời: “Làm vì đam mê mà cũng là vì thu nhập, khoản tiền 5 triệu đồng, 10 triệu đồng với gia đình tôi là lớn. Ông cũng ráng làm vì chiều khách. Khách ở tận bên Úc, bên Mỹ…”.

"Có phải em mùa thu Hà Nội" - những điều khuất lấp - Ảnh 8.

Bút tích của cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc trên bài hát để đời của ông.

Bên cạnh làm nhạc, nhạc sĩ Trần Quang Lộc vẫn mở lớp dạy nhạc. Bà Thuận kể tiếp: “Ông nhà tôi ốm triền miên 6-7 năm trời thế mà trong nhà lúc nào cũng có học trò. Rất đông. Một tháng chồng tôi phải đi xạ trị 2 lần. Khi ấy, tôi nói với mấy em học trò: Mấy em ơi, ngày mai thầy cô đi Sài Gòn ăn chơi. Mấy em nghỉ một ngày cho thầy cô đi ăn chơi nhé. Mấy em đáp lại: Chúng em biết rồi. Mai mời thầy cô đi Sài Gòn chơi. Bao nhiêu lần đi xạ trị bấy nhiêu lần học trò mang xe hơi chở đi. Cảm động lắm”.

Theo bà Thuận, tác giả “Có phải em mùa thu Hà Nội” dạy nhạc từ khi ông còn trẻ. Cũng vì nghe học trò rủ mà ông “xê dịch” nhiều nơi. Vợ ông hồi tưởng: “Sau giải phóng nhiều năm trò rủ thầy, thầy về Sài Gòn làm ăn đi. Tôi góp ý, về Sài Gòn làm ăn vốn liếng không có, hai bàn tay trắng sao mà làm được? Thế mà ông cũng về Sài Gòn, cầm theo cây đàn ghi ta đứt dây. Tội nghiệp lắm. Một bên chân của ông thì yếu. Khi về Sài Gòn ông đi dạy nhạc ở quận Tư, sống ở nhà văn hoá chứ không có tiền ở nhà mướn. Rồi mấy em học trò ở Bà Rịa - Vũng Tàu lên Sài Gòn học, gặp ông nhà mình, thầy trò nói chuyện với nhau, thương mến nhau. Thế là ông lại theo gợi ý của trò đi về Mỹ Xuân (nay thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai).

Ông nhà mình là dân công giáo nên cha xứ sắp xếp công việc đánh đàn cho giáo xứ trong giờ hành lễ. Rồi cha và xơ lại giới thiệu để dạy đàn cho những gia đình có điều kiện. Không có đủ đàn dạy học trò nên một học trò nói, để con về Sài Gòn mua cho thầy 2 cây đàn. Cha cho chúng tôi miếng đất gần bờ chuối để dạy học. Ở Mỹ Xuân một thời gian, lại có trò rủ thầy về Bà Rịa, dạy nhạc ở một phường. Chồng tôi mang chuyện thưa với cha, cha không cản nhưng dặn, nếu khó khăn thì quay về với cha. Chia tay, cha cho chúng tôi một số tiền tương đương 5 triệu đồng thời nay. Thế rồi hai chúng tôi bồng con, đi chiếc xe đạp về Bà Rịa. Về Bà Rịa thì ở nhà tình nghĩa, phường cho mở lớp dạy nhạc. Bác Chủ tịch phường có tinh thần văn nghệ lại tự bỏ tiền về Sài Gòn mua dăm cây đàn cho chồng tôi dạy học trò”.

Ông không chỉ dạy đàn, còn dạy sáng tác, hoà âm, phối khí. Sau này, nhạc sĩ còn mở phòng thu tại gia ở đường Trương Hán Siêu, TP Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Càng dạy học trò nhạc sĩ Trần Quang Lộc lại càng phát huy tư duy sáng tác. Học trò ra về thầy bắt đầu lao động nghệ thuật nên gia tài âm nhạc của ông giàu có, nhiều thể loại.

Mãn nguyện với cuộc hôn nhân 40 năm

Tác giả “Có phải em mùa thu Hà Nội” có 4 người con. Ba người con gái của vợ trước. Ông và bà Nguyễn Thị Thuận chỉ có duy nhất một người con trai. Theo chia sẻ của bà Thuận, ba người con riêng của người chồng tài hoa đã lập gia đình, hiện sống ở Mỹ. Họ rất kính yêu cha. Khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc bệnh nặng, các con gái thường xuyên về nước thăm ông. Các con riêng của chồng cũng kính yêu bà Thuận, coi bà như người mẹ thứ hai. Họ hiểu những nhọc nhằn, vất vả của ông bà trong cuộc sống. Nói về con riêng của chồng bà Thuận luôn dành từ ngữ yêu thương, không có khoảng cách.

Cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh trưởng tại một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Trị, còn bà Nguyễn Thị Thuận là người Huế. Hai ông bà biết nhau, quý nhau từ ngày còn rất trẻ, khi cả hai cùng ở Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp trường nhạc ở Huế, Trần Quang Lộc vào Sài Gòn. Bà Thuận cũng vào Sài Gòn học Văn khoa rồi làm việc ở đây, nhưng bà làm công việc không liên quan đến văn chương.

Hai tâm hồn cô đơn gặp nhau nên duyên vợ chồng. Họ lấy nhau khá muộn, khi đã sang tuổi 30. Bà Thuận đang sống cùng người con trai đã sang tuổi tứ tuần nhưng chưa lập gia đình.

Bà Thuận chưa bao giờ hối hận với cuộc hôn nhân 40 năm: “Tuy cuộc sống rất cực khổ. Có lúc còn không có nổi chiếc xe đạp. Nhưng tôi mãn nguyện vì lấy được người mình thương”. Bà kể “tội”: “Ông nhà mình không biết sửa điện nước, chỉ biết đánh “tăng tăng tăng”, 10 ngón tay luôn đặt trên đàn. Ôi trời, ông ấy lại còn đào hoa lắm”.

Nhưng bù lại nhạc sĩ có nhiều điểm đáng yêu. Ông sống bình dị, không khó tính trong ăn uống: “Có bữa thì được miếng canh, miếng cá vợ nấu, có khi cũng chỉ cơm hộp qua loa. Thầy trò ngồi ăn với nhau, chiều học tiếp. Có học trò chỉ học một buổi nhưng đến tối mới về. Trò cứ cầm cây đàn đánh suốt ngày thương lắm”.

Nhạc sĩ ra đi không lời trăng trối nhưng trước đó ông đã kịp làm giấy uỷ quyền âm nhạc cho vợ: “Lúc ấy tôi không nghĩ đến vấn đề tác quyền đâu. Tôi bảo ông ấy: Cái gì của bố là của bố. Tôi không muốn xâm lấn vì sợ làm ông ấy buồn trong phút lâm nguy. Nhưng nhạc sĩ Tiến Luân, rất thân với gia đình tôi, góp ý: Chị cứ để anh làm tờ giấy uỷ quyền, sau có gì còn dễ nói. Thế là ông ấy viết uỷ quyền cho tôi. Tuy số tiền tác quyền hiện nay không nhiều song cũng đủ để hai mẹ con sống đạm bạc”, bà chia sẻ.

Được biết gia tài ca khúc của Trần Quang Lộc có khoảng 600 bài. Bà Nguyễn Thị Thuận tiết lộ: “Ông ấy không viết riêng cho tôi bài nào”. Nhưng bà không buồn vì ông và bà đã trao tặng cả cuộc đời này cho nhau.