1. Vì sao dầu cá lại có tác dụng tốt cho sức khỏe?
Dầu cá được biết đến là một dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện chức năng não hoặc giảm viêm.
Dầu cá chứa nhiều axit béo omega-3 , bao gồm axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA). Tuy nhiên, cơ thể không thể tự sản xuất các chất béo thiết yếu này, do đó, việc bổ sung chúng thông qua chế độ ăn uống là rất quan trọng.
Các loại cá béo như cá hồi , cá thu, cá mòi, cá cơm... là một số nguồn omega-3 tự nhiên dồi dào nhất. Vì vậy tiêu thụ cá béo là cách hiệu quả nhất để tăng mức DHA và EPA trong cơ thể. Để có sức khỏe tối ưu, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên ăn ít nhất 2 khẩu phần (mỗi khẩu phần khoảng 85g) cá béo mỗi tuần.
Dầu cá là một dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
Các chất bổ sung dầu cá được sản xuất bằng cách chiết xuất dầu từ mô của cá béo, sau đó được tinh chế để loại bỏ các chất gây ô nhiễm như thủy ngân và cô đặc để tăng mức DHA và EPA. Dầu cá có sẵn ở dạng lỏng, viên nang và viên nang mềm. Có thể dùng các chất bổ sung omega-3 nếu chế độ ăn uống thiếu cá béo.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, omega-3 có thể làm giảm triglyceride ở nhiều người. Đồng thời omega-3 cũng giúp giảm nguy cơ gây rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch...
- Giảm nguy cơ đau tim: Nghiên cứu cho thấy omega-3 làm giảm đáng kể nguy cơ đau tim và tử vong do bệnh tim mạch. Với liều tương đối thấp (500 miligam mỗi ngày) cũng có thể mang lại lợi ích bảo vệ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi bắt đầu bổ sung dầu cá.
- Duy trì sức khỏe mắt: DHA tập trung nhiều ở võng mạc và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của mắt trong suốt cuộc đời. Lượng omega-3 thấp có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh võng mạc cao hơn. DHA có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và bảo vệ võng mạc.
Nghiên cứu cho thấy, omega-3 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD).
- Cải thiện sức khỏe làn da: EPA và DHA cũng hỗ trợ cải thiện sức khỏe làn da, bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, giảm nguy cơ ung thư da và hỗ trợ chữa lành vết thương. Đặc tính chống viêm của dầu cá giúp bảo vệ tế bào da và thúc đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
- Omega-3 và thai kỳ: Omega-3 đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai. EPA và DHA hỗ trợ sự phát triển não bộ và võng mạc của trẻ. Bổ sung omega-3 trong thời kỳ mang thai làm giảm nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân.
Lưu ý, omega-3 hỗ trợ phát triển nhận thức, vận động, thị giác và giảm tỷ lệ mắc bệnh chàm dị ứng ở trẻ em . Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung omega-3.
- Giảm viêm khớp dạng thấp: Nghiên cứu cho thấy, dầu cá làm giảm đau mạn tính và cải thiện sức khỏe tổng thể ở những người bị viêm xương khớp thừa cân hoặc béo phì. Dầu cá cũng giúp giảm viêm gây đau khớp ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
- Làm chậm mật độ xương và mất cơ: Việc tiêu thụ omega-3 giúp bảo vệ mật độ khoáng chất trong xương ở cột sống ở người lớn tuổi. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 cho thấy, dầu cá có liên quan đến giảm nguy cơ gãy xương.
Tốt hơn là nên bổ sung omega-3 thông qua thực phẩm. Tuy nhiên, nếu không ăn đủ hoặc không thể ăn cá, có thể cân nhắc bổ sung omega-3. Các nguồn thực phẩm giàu omega -3 bao gồm: Cá béo (cá thu, cá hồi, cá mòi, cá hồi vân và cá ngừ), động vật có vỏ như cua, trai và hàu, hạt lanh và dầu hạt lanh, đậu nành và dầu đậu nành, dầu cải, hạt chia, quả óc chó đen…