Dân Việt

Vụ hành khách nước ngoài giấu vàng trong giầy khi đi qua sân bay Nội Bài dưới góc nhìn pháp lý

Phi Long 09/10/2024 11:59 GMT+7
Lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện 2 vụ hành khách là người nước ngoài buôn lậu vàng qua đường hàng không. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.

Du khách nước ngoài giấu vàng trong giầy khi đi qua sân bay

Trước đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hành khách nhập cảnh trên chuyến bay UO550 từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến Nội Bài, Đội thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội) đã phát hiện hành khách này có dấu hiệu nghi vấn giấu kim loại trong người.

Sử dụng máy phát hiện kim loại, lực lượng Hải quan tiếp tục phát hiện dấu hiệu bất thường. Từ nghi vấn, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã mời hành khách vào phòng có camera, yêu cầu hành khách phối hợp trong quá trình kiểm tra.

Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Phòng PC03 - Công an TP Hà Nội và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) trong quá trình xử lý vụ việc. Tại Phòng kiểm tra, hành khách này đã lấy trong "vùng kín" và bên trong đế giày 3 miếng kim loại màu vàng, nghi là vàng miếng, tổng trọng lượng 3 kg.

Tại cơ quan Hải quan, hành khách này đã khai nhận 3 miếng kim loại màu vàng, là vàng 9999. Ước tính, số vàng này có trị giá khoảng 6 tỷ đồng.

img

Đối tượng cất giấu vàng dưới đế giày. Ảnh: HQ.

Sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã bàn giao đối tượng vận chuyển, hồ sơ, tang vật cho Phòng PC03 - Công an TP. Hà Nội để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. 

Căn cứ để khởi tố vụ án

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: 

Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

img

Các thỏi kim loại được cắt nhỏ và giấu trên người để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: HQ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội sẽ bị phạt tù 7-15 năm tù trong các trường hợp mang vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Đối với người phạm tội thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mang vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12-20 năm tù.

Như vậy, theo luật sư Sơn, hành vi buôn lậu vàng tuỳ từng mức độ vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.