Ngày 7/10, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Là người đầu tiên trình bày quan điểm bào chữa, luật sư Bùi Phương Lan, bào chữa cho bị cáo Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan), cho rằng thân chủ mình đã thừa nhận hành vi phạm tội, nỗ lực khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho các bị hại. Về hình phạt, luật sư Lan cho rằng quá nghiêm khắc, đề nghị HĐXX xem xét.
Người bào chữa cho bà Nhã đưa ra luận điểm rằng thân chủ của mình phạm tội do bị phụ thuộc, tin tưởng vào chị dâu (bà Trương Mỹ Lan). Quá trình thực hiện hành vi không nhận thức được việc ký vào các văn bản là giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt tài sản.
Luật sư nói bị cáo Nhã chưa học hết cấp 3, không được đào tạo về nhân sự, tài chính, không biết về việc Công ty An Đông phát hành trái phiếu. Quá trình điều tra và tại tòa, bà Trương Mỹ Lan cũng thừa nhận các vấn đề trên do bị cáo quyết định.
Trong phần bào chữa, luật sư nói bị cáo Nhã hiện sức khỏe yếu, quá trình bị tạm giam liên tục phải nhập viện cấp cứu. Bên cạnh đó, luật sư Lan cho rằng bị cáo Nhã có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt, có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, thành khẩn khai báo..., nên mong HĐXX xem xét cho thân chủ được hưởng mức án nhẹ nhất.
Theo cáo buộc, bị cáo Ngô Thanh Nhã được bà Trương Mỹ Lan giao cho làm Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch Công ty An Đông. Bà Nhã đã thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, ký toàn bộ hồ sơ, tài liệu hợp thức việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, từ đó tạo lập 2 mã trái phiếu phát hành vào năm 2018.
Bà Nhã bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu, chiếm đoạt gần 25.000 tỷ đồng. Với hành vi trên, bà Nhã bị VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi tự bào chữa cho mình, bà Nhã khóc lớn, nói đồng ý với quan điểm của luật sư và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình để có cơ hội sớm trở về làm lại cuộc đời, chăm sóc mẹ già.
Bước lên bục xét hỏi, Trương Huệ Vân nói rằng xin tòa miễn hình phạt cho ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan). Bị cáo Vân cho biết ông Cơ như người dượng, người cha, người thầy của bị cáo nên xin HĐXX xem xét khi lượng hình.
Bị cáo Vân cho rằng những thành quả ông Cơ cống hiến trong suốt 30 năm sinh sống tại Việt Nam và quá trình hội nhập của đất nước là rất lớn.
"Thời gian 2 năm bị tạm giam đã là quá tàn nhẫn với ông, mong tòa xem xét để ông nhận được là sự khoan hồng", Trương Huệ Vân nói.
Bị cáo Huệ Vân nói đồng ý với quan điểm của luật sư bào chữa trước đó, mong nhận được sự khoan hồng của HĐXX cho bản thân và tất cả bị cáo khác.
Cô nói thêm rằng, đã vô cùng hối hận về việc đã ký vào những tài liệu một cách vội vàng để phát hành gói trái phiếu của Công ty An Đông. Việc này làm ảnh hưởng đến mấy chục nghìn gia đình khác, để lại một hậu quả khủng khiếp.
Cuối cùng, Vân xin tòa khoan hồng cao nhất cho cô ruột Trương Mỹ Lan. Vân nói vụ án còn rất nhiều uẩn khúc, nhiều người đã chết. Cô của bị cáo là người đứng ra gánh chịu mọi hậu quả, mong tòa khoan hồng cho bà Lan.
Trương Huệ Vân bị xác định giúp bà Lan cùng đồng phạm ký các hợp đồng, chứng từ khống chuyển tiền để cho Công ty An Đông mua sơ cấp trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 13.000 tỷ đồng của 20.623 bị hại. Cô bị VKS đề nghị tuyên phạt 6-7 năm tù.
Bào chữa cho Huệ Vân, luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng thời điểm phạm tội thân chủ không nhận thức được hành vi của mình. Cô được nhờ ký các hợp đồng và giấy chuyển tiền giúp phát hành gói trái phiếu của công ty khi chưa hiểu rõ, và chịu áp lực, thúc giục từ nhiều người. Khi đối diện với những tập tài liệu đã được nhiều người khác ký sẵn, Huệ Vân đã tin tưởng việc này là đúng quy trình nên làm theo.
Theo luật sư, Huệ Vân tham gia các hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa lâu, sau khi đi du học về năm 2017. Đến cuối năm 2019 đại dịch Covid-19 bùng phát, cô được giao nhiệm vụ trong việc xây dựng, quản lý các bệnh viện dã chiến và nhiều hoạt động giúp cộng đồng khác.
Luật sư cảm ơn VKS vì mức án đề nghị đã thể hiện sự nhân văn. Nhưng ngoài vụ án này, bị cáo còn đối diện với mức án rất nghiêm khắc 17 năm tù ở giai đoạn một, nên mong tòa xem xét bối cảnh phạm tội, vai trò để xem xét cho bị cáo mức án khoan hồng hơn.
Bào chữa cho ông Chu Lập Cơ, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cũng cảm ơn VKS đã đề nghị mức án nhân văn với thân chủ (2 năm - 2 năm 6 tháng), song xin tòa xem xét bối cảnh, điều kiện và các tình tiết giảm nhẹ để miễn hình phạt cho thân chủ về cáo buộc giúp sức vợ Rửa tiền 33 tỷ đồng (có nguồn gốc phạm tội mà có, thông qua việc sử dụng thẻ tín dụng của SCB).
Theo luật sư, ông Cơ không tham gia bất cứ giao dịch nào nhằm mục đích che giấu dòng tiền. Bản thân ông là một thương nhân, việc sử dụng thẻ tín dụng với mức chi tiêu hơn 10 tỷ đồng mỗi thẻ là bình thường. Hơn nữa, do quá bận rộn với công việc, lịch trình di chuyển nhiều nơi, nên các thẻ tín dụng của ông cũng như các thành viên khác trong gia đình đều được giao cho nhân viên quản lý, vợ ông nộp tiền khi đến hạn. Do đó, ông không có điều kiện để biết số tiền do vợ nộp vào thẻ tín dụng có nguồn gốc từ tiền phạm tội, bởi bản thân ông hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện các nghĩa vụ chi trả đó. Hiện, ông đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
Tự bào chữa sau đó, ông Cơ nói đã có 30 năm làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Lúc bị bắt về hành vi Rửa tiền ông rất hoang mang vì không biết tại sao mình bị vướng tội này. Tuy nhiên, ông sau đó đã hiểu và tự chấp hành tốt.
"Tuổi của tôi đã cao, thời gian không còn nhiều. Tôi hy vọng sớm được về với gia đình, đồng hành cùng vợ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", ông Cơ nói.