Dân Việt

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi: Mức thuế suất với các cơ quan báo chí chưa hợp lý

Văn Hoàng 09/10/2024 08:00 GMT+7
Quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in, chỉ riêng với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được giữ nguyên như hiện nay là chưa hợp lý.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó quy định mức thuế suất với các cơ quan báo chí, bao gồm cả quảng cáo trên báo là 15% (giảm 5% so với hiện hành). Riêng báo in, mức thuế được đề xuất áp dụng là 10%. 

Với mức thuế 15% áp với các cơ quan báo chí, nhiều ý kiến cho rằng chưa hợp lý trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn, sự chênh lệch về thuế suất giữa báo điện tử và báo in là chưa hợp lý.  

 Cần áp dụng một chính sách ưu đãi thuế chung cho tất cả các loại hình báo chí

Chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt, ông Lê Trần Nguyên Huy - Quyền Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận cho biết, Kinh tế báo chí chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Doanh thu của báo chí, đặc biệt là từ quảng cáo sụt giảm mạnh, trong khi nguồn thu từ các hình thức, mô hình mới thì mới chỉ manh nha và chưa bù đắp được sự mất mát từ báo in. 

Bên cạnh đó, hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có báo Nhà báo và Công luận không có nhiều những đặt hàng từ ngân sách.

Trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn và nan giải như hiện nay, việc việc giảm hay không giảm thuế rõ ràng tác động không nhỏ đến các cơ quan báo chí, trong đó có báo Nhà báo và Công luận khi nguồn thu của báo đến chủ yếu từ phát triển kinh tế báo chí. 

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi: Mức thuế suất với các cơ quan báo chí chưa hợp lý - Ảnh 1.

Ông Lê Trần Nguyên Huy- Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận

"Thu thuế quá cao làm ảnh hưởng đến nguồn lực của những cơ quan báo chí như chúng tôi trong việc duy trì, phát triển hoạt động nhất là trong bối cảnh để cạnh tranh và tồn tại trong môi trường thông tin số hoá, hay để đảm bảo lợi thế cạnh tranh với mạng xã hội trong các thông tin dữ liệu, chuyên sâu, chúng tôi đều đang đứng trước yêu cầu phải đầu tư công nghệ, hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực, chưa kể đến việc chi phí sản xuất báo chí cũng ngày càng tăng cao", ông Huy nói.

Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận thông tin thêm: "Có thể nói, chính sách ưu đãi về thuế đối với các loại hình báo chí giúp các cơ quan báo chí giảm áp lực trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này cũng được đông đảo các cơ quan báo chí quan tâm, mong muốn các cơ quan liên quan sớm có các biện pháp tháo gỡ".

Trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 13/6/2023 nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là 5 vấn đề mà các ý kiến tại cuộc làm việc đã nêu về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí. 

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí… phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 24/11/2023, Bộ TT&TT đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét 5 nhóm vấn đề, trong đó có: nhóm ý kiến về chính sách thuế; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này là thống nhất áp dụng một chính sách ưu đãi chung cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế", Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận mong muốn.

Hiện nay dự Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in, chỉ riêng với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được giữ nguyên như hiện nay. 

"Điều này là chưa hợp lý khi mọi loại hình báo chí, mọi hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu" ông Huy khẳng định.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi: Mức thuế suất với các cơ quan báo chí chưa hợp lý - Ảnh 2.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một phiên tòa tổ chức tại Hà Nội.

Nên cân nhắc mức thu hợp lý

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, ở lĩnh vực báo chí, đối với việc thu thuế doanh nghiệp từ cơ quan báo chí, cơ quan chức năng nên cân nhắc áp dụng mức thu hợp lý.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan báo chí phần lớn là đơn vị sự nghiệp có thu với chức năng chính là thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, nên hoạt động không thuần túy như một doanh nghiệp.

“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì thế không thể đánh đồng cơ quan báo chí như một doanh nghiệp thuần túy. Quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam là rất ủng hộ, thống nhất về mức thuế thu nhập của doanh nghiệp ưu đãi cho các cơ quan báo chí không chỉ báo in mà kể cả các loại hình báo chí khác như phát thanh, truyền hình, điện tử… giảm xuống còn 10%”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo khẳng định.

Đánh giá nguồn thu của ngân sách nhà nước rất quan trọng, tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, nguồn thu từ các cơ quan báo chí không chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, vấn đề kinh tế báo chí hiện nay đang rất khó khăn.

Ông Lợi nêu thực tế, cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có nguồn thu không lớn. Tuy nhiên, việc thu thuế từ các cơ quan báo chí nộp vào ngân sách cũng không nhiều, nhưng vô tình tác động làm cơ quan báo chí khó khăn thêm.