Chiều 7/10, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, phóng viên đặt câu hỏi: Vừa qua trong các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Thủ tướng nhấn mạnh "tránh tình trạng việc nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương". Vậy giải pháp nào để có thể thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin cho?
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền được Đảng, Nhà nước đặc biệt là Chính phủ rất quan tâm.
Theo Thứ trưởng Trương Hải Long, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 04 năm 2022, trong đó, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cụ thể chương trình, kế hoạch; từng bộ ngành rà soát các thể chế liên quan tới lĩnh vực ngành mình quản lý để phân cấp cho địa phương hoặc giữa Chính phủ giao các bộ ngành thực hiện. Kết quả, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi 14 luật, cho ý kiến với 2 luật và chuẩn bị thêm 4 luật; đồng thời trình Quốc hội ban hành 9 Nghị quyết, sửa đổi bổ sung thay thế 27 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 19 Quyết định và các bộ ban hành 8 thông tư có nội dung liên quan tới đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
"Tiến độ sửa đổi việc phân cấp phân quyền không chỉ nằm ở một văn bản mà nhiều văn bản, nên tiến độ rà soát, đề xuất trình sửa đổi còn chậm. Một số bộ ngành còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại phân cấp xuống địa phương vì lo chưa đảm bảo thực hiện được. Do đó, Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh phân cấp, phần quyền", ông Long nói.
Thông tin về các giải pháp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát và xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Khi rà soát, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất, thực hiện việc sửa đổi kịp thời 1 luật sửa nhiều luật; yêu cầu các cơ quan chủ trì khi xây dựng luật cần giao thẩm quyền đúng tinh thần "cấp nào làm, cấp đó chịu trách nhiệm, rõ người rõ việc", đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ khi chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Về phía Bộ Nội vụ, ông Long cho hay, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, hiện nay Bộ Nội vụ đã tham mưu với Chính phủ sửa hai Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương.
Trước đây, về nguyên tắc phân cấp phân quyền trong luật còn quy định chưa quyết liệt, cơ chế phân cấp uỷ quyền chưa rõ ràng.
Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 đó là khi đã phân cấp, phân quyền, địa phương quyết định thì địa phương làm và chịu trách nhiệm, Bộ nội vụ đang xây dựng hồ sơ đề nghị sửa Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức địa phương để tiếp thu tinh thần này và sửa quy định chung liên quan tới nguyên tắc phân cấp phân quyền và tiến tới phân định thẩm quyền, quy định rõ cái gì trung ương làm, cái gì địa phương làm.
Từ đó, tạo thành luật khung để trên cơ sở đó các bộ chuyên ngành sửa đổi các luật liên quan theo cách thức tương tự.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển KTXH, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tập trung khẩn trương xây dựng 3 luật để sửa đổi các luật trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính, qua đó trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Những vấn đề mang tính cấp bách, còn cản trở vướng mắc trong việc thực thi pháp luật, thúc đẩy phân cấp phân quyền đã được thể hiện trong các đề xuất luật để sửa nhiều luật nêu trên.
Về việc triển khai rà soát quy định pháp luật chuyên ngành, về tổ chức bộ máy, yêu cầu các bộ ngành khi tham mưu quy định chuyên ngành thì không lồng ghép quy định nhiệm vụ quyền hạn cụ thể liên quan tới tổ chức bộ máy, thẩm quyền trong văn bản chuyên ngành.
"Thực tế, một số luật chuyên ngành hiện đang đưa thẩm quyền của Chính phủ để quyết một số vấn đề cụ thể nên dẫn đến tình trạng một số việc nhỏ vẫn đưa lên cấp cao để thông qua. Vấn đề này đang được nghiên cứu để làm rõ", Thứ trưởng Trương Hải Long cho hay.