Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Pháp rút quân khỏi miền Bắc nước ta. Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp.
Thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến; ngăn trở không cho ta mau chóng xây dựng thủ đô Hà Nội; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục miền bắc, để thực hiện âm mưu, kế hoạch xâm lược mới chống lại sự của nhân dân ta. Trước mắt, kẻ thù đế quốc muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.
Ngày 25/7/1954, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới: "Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta và của Đảng ta còn rất nặng nề. Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc".
Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó. Trước đây các cháu ra trận chiến đấu với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ, trước những viên đạn bọc đường, các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật...".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý; cán bộ chiến sĩ ta còn có những nhận thức, việc làm sơ hở, thiếu sót, phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều..."
Từ ngày 2/10/1954, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phái các đội công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản.
Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố. Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội, phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ để ra, phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.
Từ tháng 7/1954, Chính phủ đã thành lập Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô tại Đại Từ, Thái Nguyên, với khoảng 400 đoàn viên thanh niên trẻ từ các trường Tân Trào, Hùng Vương, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thượng Hiền...để tập huấn.
Từ ngày 3 - 6/10 Đội Thanh niên về Thủ đô, chia nhau đi khắp phố phường làm nhiệm vụ tiếp xúc với người dân, tuyên truyền chính sách, giải đáp thắc mắc cho nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Khang, 91 tuổi, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô, nhớ lại: "Người dân hỏi nhiều về việc gia đình có người làm công chức sau đây còn được làm việc không? Những người buôn bán hỏi có được buôn bán không? Ra ngoài đường có được mặc áo dài, trẻ con có được đi học không...? Chúng tôi vận động để người dân hiểu, yên tâm".
"Ban địch vận thống nhất" được thành lập, gồm các tiểu ban Ngụy vận, Cảnh binh vận, Âu - Phi vận, nhằm đôn đốc, hỗ trợ các cấp, ngành triển khai, thực hiện công tác địch vận. Truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích được phát tán khắp chốn, khắp nơi, tại các đồn bốt, nơi trú quân, đến tận tay binh lính và gia đình họ. Nội dung truyền đơn kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền không thi hành mệnh lệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, ở lại quê hương chung sức cùng nhân dân đấu tranh thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ. Tính chung lại trong 80 ngày (từ ngày 21/7 - 10/10/1954), có hơn 1 vạn binh lính địch chạy trốn khỏi hàng ngũ về với Nhân dân.
Đến ngày 30/9/1954, hai bên mới thống nhất được việc chuyển giao về quân sự và trật tự. Nội thành Hà Nội được chia thành 2 phân khu, mỗi phân khu chia thành 6 khoảnh, quy định giờ quân đội Pháp rút đi và ta tiếp quản các khoảnh đó. Với thỏa thuận trên, ta phái một đội công an và một đội cảnh vệ vào trước để chuẩn bị tiếp nhận các cơ quan quân sự và cảnh sát.
Ngày 2/10/1954, hai bên thỏa thuận chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo các Hiệp định đã ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ, từ ngày mùng 2 đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền.
Là một trong những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô thuộc Tiểu đoàn Bình Ca, Đại tá Dương Niết (91 tuổi), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không-Không quân) nhớ lại cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng vô cùng căng thẳng.
Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên. Tiểu đoàn tuyển chọn 214 người có phẩm chất chính trị vững vàng, sức khỏe tốt, do Chính trị viên tiểu đoàn Vũ Huy Hậu dẫn đầu, đóng vai cảnh vệ thành để vào các nơi Pháp đóng ở Hà Nội. Ðầu tháng 10/1954, Ðại đoàn 308 tập kết tại Phùng (nay thuộc huyện Ðan Phượng, Hà Nội) và được lệnh vào tiếp quản các vị trí thực dân Pháp đóng quân, để bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đón đại quân chiến thắng trở về. Đồng thời không để địch cưỡng bức dân chúng di cư trước khi rút khỏi Hà Nội.
Ngày 7/10/1954, Tiểu đoàn Bình Ca từ Phùng, sang Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ. Cả đoàn được học kỹ 10 điều kỷ luật khi về tiếp quản Thủ đô. Trong đó, có các điều như: Không được mua, bán, ăn uống, nhận cái gì của nhân dân, chấp hành nghiêm mệnh lệnh quy định của cấp trên, đúng giờ có mặt tại đơn vị.
"Chiều 7/10, lúc anh nuôi chuẩn bị nấu cơm thì các bà, các chị mang gà, gạo, rau để đưa cho bộ đội ăn. Chúng tôi giải thích là bộ đội không được nhận của dân nhưng các bà, các chị vẫn cứ nhất quyết nấu cơm và mời bộ đội chúng tôi. Bữa cơm xúc động ấy tôi vẫn còn ghi nhớ mãi và không bao giờ quên", Đại tá Dương Niết nhớ lại.
Theo Hiệp định Trung Giã, Pháp sẽ đón tiểu đoàn tại cầu Đuống. 8h sáng 8/10, gió mùa Đông Bắc tràn về, trời Hà Nội đầy mây, mưa phùn. Đứng chờ khoảng 15 phút, một hạ sĩ quan của Pháp ra mời đoàn tiếp quản vào cầu. Lấy lý do trời mưa, viên quan ba Pháp yêu cầu các xe phủ bạt kín nhưng thực ra họ muốn dân trong nội thành không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng khi đến Gia Lâm, một số chiến sĩ ngồi ở đầu xe vén bạt, nhô đầu ra ngoài, nhân dân nhìn thấy bộ đội, ùa ra đường vẫy chào.
Đến Hà Nội, xe đưa tiểu đoàn về tập kết tại trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Viện Quân y 108). Tại đây, Tiểu đoàn của ông được chia thành 35 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng.
Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai...Đây cũng là những nơi đầu tiên Pháp muốn phá khi rời Hà Nội.
Chiều 8/10, một số đơn vị của ta đã áp sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Tiếp đó, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu, lần lượt tiếp quản Ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy, tổ chức tiếp thu theo lối "cuốn chiếu".
Ở ngoại thành, Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển từ ngày 6/10. Sáng 9/10, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long, 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội.
Đến 16 giờ 30, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết của nhân dân Thủ đô.
Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân gồm Thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa - chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô.
Mấy chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ "Quyết chiến - quyết thắng". 15 giờ chiều 10/10, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ.
Tướng Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội: "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn. tươi vui, phồn thịnh".
Trong suốt 80 ngày đêm đấu tranh chính trị để tiếp quản Thủ đô, sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước... vẫn hoạt động đều. Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc. Giao thông liên lạc trong thành phố, giữa Hà Nội và các tỉnh được giữ vững và thông suốt.
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 đã trở thành một dấu mốc son trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân ta, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, tự do của Nhân dân Thủ đô và cả nước.
Tư liệu tham khảo: 70 năm Hiệp định Geneve - những bài học lịch sử, Trung đoàn Thủ đô anh hùng - Ngày về vinh quang, NXB Hà Nội, 2014. Tư liệu TTXVN.