Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những tác giả tiêu biểu của nền thi ca Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Không chỉ thế, ông còn là chính trị gia, từng nắm giữ những chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà nội của ông là Đạm Phương nữ sử, thứ nữ của Hoằng Hóa Quận vương - con trai thứ 66 của vua Minh Mạng. Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều – người được coi là nhà lý luận tiên phong trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt qua hai cuộc tranh luận gây được tiếng vang lớn vào thập niên 1930: Duy vật hay duy tâm và Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng cho biết: "Sau khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ năm 1946, cha tôi đi kháng chiến, một nửa gia đình cùng bà tôi tản cư ra Thanh Nghệ. Riêng mẹ tôi đang thai nghén em tôi nên ở lại. Mẹ tôi là bà hai, gốc ở nông thôn, sinh được ba người, tôi là con trai cả. Tôi học ngoài Bắc sau đó trở về quê hương tham gia kháng chiến, ngày kết thúc chiến tranh tôi về sống với mẹ, lấy vợ, nuôi con cũng tại ngôi nhà cũ của gia đình tại Huế".
Năm 1955, ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Năm 1964, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động.
Sau năm 1975, ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; từng bước giữ chức vụ Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế. Năm 1994, ông Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.
Tháng 11/1996, ông được bầu là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001 – 2006).
Ca khúc "Có một ngày" (nhạc: Phú Quang, thơ: Nguyễn Khoa Điềm) do ca sĩ Ngọc Anh thể hiện. (Clip: Viết Tân Studio).
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một loạt tác phẩm nổi tiếng, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ, có thể kể tới: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Đất nước, Có một ngày... Một số tập thơ của ông đã được xuất bản thành sách như: Cửa thép (1973), Đất ngoại ô (1973), Mặt đường khát vọng (1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986), Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990), Cõi lặng (2007).
Trò chuyện với Dân Việt về chặng đường sự nghiệp đã qua, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho biết: "Chính trị và thi ca là hai phạm trù khác biệt dù có mục đích chung là xây dựng xã hội và con người. Trong khi chính khách nơi chính trường cần giữ lập trường nguyên tắc đúng đắn đề cao tính duy lý và pháp luật; còn nhà văn, nhà thơ lại được phép sống trong xúc cảm, nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo.
Tôi nghĩ xã hội không chấp nhận sự dại dột kém cỏi của người làm chính trị nhưng có thể thể tất cho nghệ sĩ vì thói quen sáng tạo của họ. Tốt nhất là khi làm chính trị hãy bớt làm thơ đi. Và tôi đã nhiều lúc thực hiện như vậy".
Năm 1998, Ban chấp hành Trung ương Đảng ( Khóa VIII ) tại hội nghị Trung ương lần thứ 5 ban hành Nghị quyết về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chính là người tham gia chuẩn bị dự thảo Nghị quyết. Đây là văn kiện có tính đánh dấu của Đảng ta về công tác văn hóa, mở ra hướng phát triển công tác văn hóa của nước nhà giữa lúc UNESCO đề cao văn hóa là động lực của sự phát triển.
Triển khai Nghị quyết của Đảng, Bộ văn hóa đã chọn huyện Hải Hậu (Nam Định) và đô thị cổ Hội An làm hai mô hình chuẩn văn hóa nông thôn và thành thị để các địa phương nghiên cứu học hỏi.
"Tôi vẫn nhớ, lúc Bộ chọn Hải Hậu, có người hỏi tôi: "Họ là giáo dân đó, sao anh lại chọn?". Tôi bảo: "Không sao cả, giáo dân họ cũng rất tốt, họ vẫn sống văn minh, văn hóa". Sau nhiều năm, đến thăm lại hai nơi này, tôi vui mừng khi thấy người dân nơi đây vẫn giữ được những nét tiêu biểu đặc trưng riêng về văn hóa và kinh tế, không bị mai một, lại còn khởi sắc hơn trước" - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ.
Hiện tại, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nghỉ hưu và sinh sống tại thành phố Huế.