Dân Việt

Chung cư không sổ đỏ: Giá rẻ nhưng rủi ro có thể mất trắng nhà

Phương Thảo 10/10/2024 07:31 GMT+7
Vì có giá rẻ hơn nên dù tiềm ẩn nhiều rủi ro thì không ít người dân chấp nhận mua chung cư tại Hà Nội không có sổ đỏ, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, pháp lý dự án còn lùm xùm...

Như Dân Việt đã đăng ở bài Chung cư không sổ đỏ, đã sử dụng nhiều năm cũng được rao bán với giá "trên trời", mặt bằng giá chung cư tăng mạnh, thậm chí có những căn hộ đã qua sử dụng nhiều năm, chưa biết khi nào được cấp sổ đỏ hay nhà ở xã hội cũ... vẫn có giá rao bán giá vẫn cao.

Chung cư không sổ đỏ: Ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề pháp lý? - Ảnh 1.

Dù chung cư không sổ đỏ cũng đang được rao bán giá "trên trời" nhưng đây vẫn là mặt hàng "hot" được người dân săn đón. Ảnh: Thái Nguyễn

Chung cư không sổ đỏ có phải "quả bom" không biết nổ lúc nào?

TS Võ Trí Thành, chuyên gia phân tích kinh tế cho biết: Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư (sổ đỏ) là chứng thư pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu căn hộ chung cư hợp pháp.

Thực tế, không phải dự án chung cư nào, căn hộ nào cũng đủ điều kiện được cấp sổ đỏ. Theo ông Thành, thực trạng chung cư không sổ đỏ hiện nay không quá phổ biến nhưng số lượng còn tồn đọng trên thị trường Hà Nội, TP.HCM còn nhiều.

Theo số liệu của Sở TN-MT Hà Nội, tính đến giữa tháng 6/2024, Hà Nội còn 206 dự án với khoảng 62.000 căn hộ có sai phạm do vướng mắc về quy hoạch hoặc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều dự án xây sai phép so với quy hoạch và thiết kế, chủ đầu tư tự ý tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Với tâm lý an cư lạc nghiệp nên nhiều người dân mạo hiểm mua căn hộ không có sổ đỏ. Cùng với đó, do giá nhà chưa sổ đỏ rẻ hơn nhà có sổ đỏ, phù hợp khả năng chi trả của nhiều người...

Chung cư không sổ đỏ: Ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề pháp lý? - Ảnh 2.

Tính đến giữa tháng 6/2024, thị trường bất động sản thành phố Hà Nội ghi nhận còn 206 dự án, tương ứng với khoảng 62.000 căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư (sổ đỏ). Ảnh minh hoạ

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho hay việc sở hữu chung cư không sổ đỏ ngoài khó khăn trong việc thế chấp, sang tên chuyển nhượng hoặc nhập khẩu còn có rủi ro là nếu dự án gặp phải các vấn đề pháp lý như tranh chấp, khả năng thu hồi nhà thì người dân sở hữu những căn không sổ đỏ này hoàn toàn có thể "mất trắng".

Khi đó, người mua nhà sẽ không được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp căn hộ và quyền sử dụng đất gắn liền với dự án chung cư đó. Vì vậy, nếu có trường hợp trên xảy ra thì sẽ không được pháp luật bảo vệ hoặc không được đền bù.

Ông Đức cho rằng ưu điểm lớn nhất khi mua chung cư chưa có sổ đỏ là giá thường rẻ hơn so với các căn hộ đã có sổ. Tuy nhiên, người mua cần cân nhắc kỹ lưỡng về rủi ro pháp lý.

Chung cư không sổ đỏ: Ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề pháp lý? - Ảnh 3.

Chung cư không sổ đỏ ẩn chứa quá nhiều rủi ro mà người dân có thể phải tự gánh chịu. Ảnh: Thái Nguyễn

Để giảm thiểu rủi ro, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, khuyến cáo người dân tìm hiểu, xác định đầy đủ tính pháp lý của dự án trước khi đặt bút ký mua. Các dự án có tính pháp lý đều được chính quyền phê duyệt và ban hành văn bản "đủ điều kiện được phép chuyển nhượng, mua bán".

"Người dân nên yêu cầu chủ đầu tư hay các đơn vị giao dịch, môi giới cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý, sau đó mới xem xét nên mua hay không", ông Đính nói.

Ngoài ra, nếu không thể tự kiểm chứng năng lực của chủ đầu tư, người dân có thể thuê một đơn vị tư vấn hoạt động theo đúng quy định pháp luật như sàn giao dịch, môi giới, thẩm định, thẩm tra và tư vấn.

Sau cùng, người dân nên lựa chọn những dự án đã có sổ đỏ, tuy đắt hơn nhưng chắc chắn về mặt pháp lý.

Khách hàng cũng cần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng để lường trước những vấn đề có thể xảy ra, đồng thời thực hiện đầy đủ quy trình để giảm thiểu tối đa rủi ro

ông Đính nói rõ.