Trải qua hơn 4 thế kỷ tồn tại, nhà Hán được xem là triều đại hoàng kim nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tầm ảnh hưởng của nhà Hán từ hàng ngàn năm đến nay vẫn còn rất sâu sắc. Bằng chứng là tiếng Trung được gọi là Hán ngữ; chữ viết Trung Quốc được gọi là Hán tự.
Chữ Hán cho đến nay là chữ viết được sử dụng liên tục lâu nhất tại quốc gia này. Bắt đầu từ việc các sử gia ghi chép lại các sự kiện, nó đã dần dần phát triển thành Hán tự mà chúng ta quen thuộc ngày nay.
Trong quá trình tiến hóa lâu dài của chữ Hán, từng có một người phụ nữ đã tạo ra 18 Hán tự. Bà là Nữ hoàng đế chính thống duy nhất trong lịch sử Trung Quốc - Võ Tắc Thiên (cai trị từ năm 690 - 705).
Trong thời gian nắm quyền, Võ Tắc Thiên đã có những đóng góp nổi bật cho nền kinh tế, chính trị và văn hóa cho triều đại Võ Chu. Riêng về mặt văn hóa, bà sáng tạo ra 18 chữ Hán nhưng 17 chữ đã bị bãi bỏ và chỉ giữ lại một chữ, nhưng hiềm một nỗi không ai dám sử dụng. Vì sao?
Sau cái chết của Đường Cao Tông Lý Trị, quyền lực chính trị rơi vào tay Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên quyết tâm trở thành hoàng đế, nhưng bà bị một số cận thần phản đối kịch liệt. Họ cho rằng chưa từng có tiền lệ phụ nữ làm hoàng đế. Mặc dù Võ Tắc Thiên đã nắm trong tay nhiều thế lực lớn nhưng bà cũng gặp không ít khó khăn trước sự phản đối của những cận thần này.
Vào thời điểm đó, một trong những người ủng hộ Võ Tắc Thiên tên là Tông Tần Khách - mẹ của Tông Tần Khách là em họ của Võ Tắc Thiên, theo Baidu. Sau khi nghe nhiều cận thần phản đối Võ Tắc Thiên, ông đã tạo ra một từ "曌" (Chiếu) và dành tặng nó cho bà.
Ông nói rằng, Thái Cực Quyền được chia thành âm và dương, nữ là âm và nam là dương. Các quan đại thần khó chấp nhận việc Võ Tắc Thiên xưng hoàng đế vì họ cảm thấy âm lên và dương suy yếu. Nếu âm dương không cân bằng thì thế giới sẽ hỗn loạn.
Và chữ "曌" này có nghĩa là Mặt trời và Mặt trăng ở trên trời và chiếu sáng xuống Trái đất. Lúc ấy, âm dương cân bằng, thiên hạ tự nhiên sẽ thái bình, triều thần không thể nói gì khác.
Nghe thấy hợp lý, Võ Tắc Thiên đã đổi tên thành Võ Chiếu. Sự xuất hiện của từ này đã khiến Võ Tắc Thiên chính thức trở thành hoàng đế. Cách làm này có thể nói là chưa từng có trong lịch sử.
Sau khi chữ "曌" (Chiếu) mang lại cho bà ngôi vị cao nhất, Võ Tắc Thiên muốn tiếp tục tạo ra nhiều ký tự hơn nữa. Dưới sự chỉ đạo của Võ Tắc Thiên, Tông Tần Khách đã tạo ra 18 ký tự mới để thay thế các dạng ký tự thông thường.
Các chữ thông thường đã bị thay thế (cỡ nhỏ hơn trong hình bên dưới) là: "照" (Chiếu), "天" (Thiên), "地" (Địa), "日" (Nhật), "月" (Nguyệt), "星" (Tinh), "国" (Quốc), "君" (Quân), "臣" (Thần), "圣" (Thánh), "人" (Nhân), "授" (Thọ), "载" (Tải), "证" (Chứng), "初" (Sơ), "年" (Niên), "正" (Chính), "等" (Đẳng).
Các ký tự do Võ Tắc Thiên tạo ra nhằm mục đích biến đổi một số ký tự hiện có và cung cấp cho chúng những công dụng mới, nhưng mỗi ký tự là duy nhất và có một ý nghĩa đặc biệt.
Lấy ví dụ như từ "臣" (Thần) được đổi thành "一忠" (Nhất Trung). Nghĩa là "thần trung thành với hoàng đế suốt một đời".
Tại sao Võ Tắc Thiên lại thay đổi như vậy? Kỳ thực thì rất đơn giản, bởi vì thời cổ đại, tất cả các hoàng đế đều là nam giới, nhưng Võ Tắc Thiên lại là nữ giới. Vì vậy, Võ Tắc Thiên đã thay đổi những ký tự này giống với chữ "凤" (Phượng) và "凰" (Hoàng) để thể hiện sự uy nghiêm và tôn nghiêm của bà với tư cách là Hoàng đế.
Nhiều người cho rằng việc tạo hình chữ Hán mới của Hoàng đế Võ Tắc Thiên hoàn toàn không tuân theo quy luật phát triển chữ tượng hình. Trên thực tế, ý định tạo chữ ban đầu của Võ Tắc Thiên không phải là để phát triển chữ Hán mà là dựa vào những chữ Hán này để củng cố ngai vàng và đạt được mục tiêu của riêng mình.
Hơn nữa, chưa có tiền lệ nào về việc một vị hoàng đế tạo ra ký tự chữ mới trong tất cả các triều đại. Kể từ khi bà trở thành nữ hoàng đế đầu tiên, bà đương nhiên muốn tạo một "cuộc cách mạng" mới để làm nổi bật uy danh, cũng như muốn toàn thiên hạ phải công nhận mình.
Tuy nhiên, vì việc tạo chữ của Võ Tắc Thiên từ đơn giản đến phức tạp, không phù hợp với quy luật tiến hóa chữ của Trung Quốc và hoàn toàn trái ngược với xu thế phát triển lịch sử nên việc chúng bị bãi bỏ chỉ là vấn đề thời gian.
Trong thời gian 15 năm cai trị của bà, 18 ký tự mới này cũng chỉ được sử dụng trong 15 năm, sau đó dần mai một.
Khi Đường Văn Tông (cai trị từ 827 - 840) lên ngôi, ông chính thức tuyên bố bãi bỏ các kỹ tự do Võ Tắc Thiên tạo ra và quay trở lại sử dụng các Hán tự trước đó. Tuy nhiên, Võ Chiếu là tên của Võ Tắc Thiên nên sử sách vẫn dụng từ "Chiếu" mới đế tỏ lòng tôn kính đối với bà và chỉ duy nhất từ này được lưu truyền đến ngày nay.
Dầu vậy, rất ít người dám sử dụng từ "曌" (Chiếu) này. Bởi, suy cho cùng đây là tên của Nữ hoàng đế. Riêng vào thời nhà Đường, không một ai được phép sử dụng từ "曌" suốt cả ngàn năm.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khiến từ "曌" không được sử dụng đó là, chữ "曌" có nghĩa là "Mặt trời và Mặt trăng cùng ở trên trời, âm dương cùng tồn tại" - hàm chỉ nam nữ bình đẳng. Nhưng vào thời nhà Đường, chế độ phong kiến vẫn không công nhận điều này (nam nữ không thể bình đẳng. Đàn ông luôn thượng đẳng hơn phụ nữ), do đó, không ai dám dùng từ này.
Ngay cả trong xã hội Trung Quốc hiện đại, do nét chữ của từ "曌" (Chiếu) quá phức tạp nên hầu như không có ai sử dụng.