Thiên long bát bộ là một trong những tác phẩm võ hiệp đặc sắc nhất của nhà văn Kim Dung, với hệ thống võ công được xây dựng vô cùng công phu và tinh diệu. Trong đó, trận chiến tại Tàng Kinh Các được xem là một trong những điểm nhấn của tác phẩm, với sự tham gia của nhiều cao thủ võ lâm hàng đầu.
Thiên long bát bộ được Kim Dung xây dựng với bối cảnh khá kỳ bí. Các loại võ công trong truyện đều mang đậm tính chất siêu việt, thoát tục. Lục Mạch Thần Kiếm của Đoàn Dự được ví như "Thiên hạ đệ nhất kiếm khí", thường xuyên giúp chàng giành chiến thắng một cách bất ngờ. Lăng Ba Vi Bộ và Bắc Minh Thần Công cũng là những tuyệt kỹ võ công thượng thừa, một bên như "bước đi trên hoa lá mà không làm rơi một giọt sương", một bên lại có khả năng hấp thụ nội lực của đối phương. Ngoài ra, Đẩu Chuyển Tinh Di của Mộ Dung Phục, Hỏa Diễm Đao của Cưu Ma Trí và Bát Hoang Lục Hợp Duy Ngã Độc Tôn Công của Thiên Sơn Đồng Lão đều là những môn võ công khiến người đọc không thể nào quên.
Chính bởi vì võ học thời kỳ Thiên long bát bộ là đỉnh cao trong các tác phẩm của Kim Dung, nên ngay cả một cao thủ như Kiếm Thần Trác Bất Phàm, với khả năng phát ra kiếm khí dài nửa thước, cũng phải chịu thất bại thảm hại trước Thiên Sơn Chiết Mai Thủ của Hư Trúc.
Sức mạnh của Kiều Phong khiến nhiều độc giả yêu thích võ hiệp phải trầm trồ thán phục. Chàng không có kỳ ngộ đặc biệt, tác giả cũng không đề cập chi tiết về loại nội công mà Kiều Phong tu luyện. Tuy nhiên, Kiều Phong thường xuyên giành chiến thắng trong các trận đấu, thể hiện phong thái của một vị anh hùng hào sảng, tự tại, đến và đi như một "cơn gió".
Tại Tụ Hiền Trang, chỉ bằng một thân một mình, Kiều Phong đã đại chiến với hàng trăm cao thủ võ lâm. Nguyên văn miêu tả: "Lúc đầu Kiều Phong còn nương tay với quần hùng, nhưng sau khi uống rượu, toàn thân nhiều chỗ bị thương, bản tính hung dữ trỗi dậy, tay trái cầm đao, tay phải lúc đấm lúc chưởng… Tiếng kêu la thảm thiết vang vọng khắp đại sảnh, máu thịt bay tứ tung… Quần hùng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, hơn nửa đã nảy sinh ý định bỏ chạy…"
Cha ruột của Kiều Phong là Tiêu Viễn Sơn cũng là một cao thủ võ lâm không thể xem thường. Ngay từ trận chiến ở Nhạn Môn Quan 30 năm trước, Tiêu Viễn Sơn đã thể hiện võ công cái thế của mình.
Mặc dù rơi vào cái bẫy được sắp đặt trước của quần hùng, lại phải một mình chống lại rất nhiều đối thủ, nhưng Tiêu Viễn Sơn vẫn thể hiện sức chiến đấu vượt ngoài dự đoán. Kim Dung viết "Tiêu Viễn Sơn như quỷ mị, xông về phía đông giết một người, đâm về phía tây lại giết thêm một người. Trong chớp mắt, 21 cao thủ hàng đầu võ lâm Trung Nguyên, đã có 11 người bỏ mạng dưới tay Tiêu Viễn Sơn…"
Dần dần, những bí ẩn trong Thiên long bát bộ được hé lộ, thân thế của Kiều Phong cũng được phơi bày. Lúc này, Kiều Phong mới hay cha ruột của mình là Tiêu Viễn Sơn vẫn còn sống. Nhưng chưa kịp ôn lại tình cha con, hai người họ đã phải đối mặt với Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí.
Mọi chuyện xảy ra tại Tàng Kinh Các, khi Tiêu Viễn Sơn và Kiều Phong đang giao chiến với Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí, thì Vô Danh Thần Tăng bất ngờ xuất hiện. Với võ công cái thế, Vô Danh Thần Tăng chỉ dùng một chiêu đã đánh chết Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn.
Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, Vô Danh Thần Tăng lại dùng thần công của mình, cứu sống Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Trải qua lằn ranh sinh tử, Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn như được thức tỉnh, cả hai quyết định buông bỏ chấp niệm, quy y cửa Phật, trở thành đệ tử của lão tăng này, không còn màng đến ân oán giang hồ.
Nếu Vô Danh Thần Tăng không ra tay, giả sử ông đã viên tịch từ vài năm trước, để Tiêu Viễn Sơn và Kiều Phong quyết đấu sinh tử với Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí, liệu Kiều Phong có thể sống sót tại Tàng Kinh Các?
1. Mộ Dung Phục
Mộ Dung Phục luôn mang trong mình khát vọng phục hưng Đại Yên đã mất. Vì mục tiêu đó, hắn ta không từ thủ đoạn, thậm chí có thể nhận giặc làm cha. Tuy nhiên, đối với mạng sống của bản thân, Mộ Dung Phục dường như rất coi trọng.
Khi Vô Danh Thần Tăng ra tay đánh chết Tiêu Viễn Sơn, chứng kiến cha ruột chết ngay trước mắt, Kiều Phong nổi cơn thịnh nộ, tung cả hai chưởng về phía cao tăng.
Trái ngược với Kiều Phong, khi thấy Mộ Dung Bác bị Vô Danh Thần Tăng giết chết, Mộ Dung Phục tuy đau lòng trước cái chết của cha, nhưng hắn ta biết rõ võ công của cao tăng hơn mình gấp bội, dù có liều mạng cũng không thể nào thắng nổi, nên đành dựa vào giá sách giả vờ thở dốc không ngừng, trong lòng âm thầm tính toán, làm sao để đánh lén một cách bất ngờ.
2. Cưu Ma Trí
Thoạt nhìn, Cưu Ma Trí có vẻ như có mối quan hệ sâu đậm với nhà họ Mộ Dung, nhưng thực chất giữa bọn họ chỉ là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau. Nếu Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn giao chiến sống mái, Cưu Ma Trí chắc chắn sẽ ra tay giúp đỡ. Nhưng Tiêu Viễn Sơn và Kiều Phong là những cao thủ võ công cái thế, cho dù phe Mộ Dung Bác có lợi thế về số lượng, thì đây vẫn là một trận chiến vô cùng nguy hiểm, chỉ có một bên được sống.
Nhưng nếu Cưu Ma Trí bị thương, liệu hắn ta có tiếp tục liều mạng vì nhà họ Mộ Dung? Câu trả lời cho câu hỏi này, thực chất Kim Dung đã hé lộ trong nguyên tác.
Trong Thiên long bát bộ có đoạn miêu tả, khi Đoàn Dự đang chăm chú nghe Vô Danh Thần Tăng giảng kinh thuyết pháp, Cưu Ma Trí bất ngờ dùng Hỏa Diễm Đao đánh lén. Kim Dung viết, "Vô Danh Thần Tăng chỉ phẩy tay áo một cái, đã đẩy Cưu Ma Trí văng ra xa mấy trượng. Cưu Ma Trí không dám nán lại, lập tức xoay người bỏ chạy xuống núi."
Dù liên thủ với nhau, nhưng đội hình Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí thực chất không mạnh như vẻ ngoài. Bởi lẽ, ngoài Mộ Dung Bác đã xem nhẹ sống chết, thì Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí đều là những kẻ tham sống sợ chết.
Có thể dự đoán, nếu Vô Danh Thần Tăng không ra tay, để xảy ra một trận chiến đẫm máu tại Tàng Kinh Các, thì Tiêu Viễn Sơn và Kiều Phong chắc chắn sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Ngược lại, Cưu Ma Trí và Mộ Dung Phục sẽ là những kẻ "dự phòng đường lui" cho bản thân. Như vậy, kết quả thắng thua của 2 bên đã quá rõ ràng.