Dân Việt

Cựu Phó Tổng Giám đốc SCB: Tuổi thơ và tuổi trưởng thành của con bị cáo sẽ không có mẹ, đây là nỗi đau đớn

Xuân Huy - Chinh Hoàng 09/10/2024 19:58 GMT+7
"Cái giá của bị cáo quá đắt. Cộng cả hai giai đoạn của vụ án vụ Vạn Thịnh Phát, mức án của bị cáo lên đến 30 năm tù. Từ giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo đã muốn buông xuôi, từng không muốn nói gì nữa, không bào chữa gì nữa", bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB cho biết.

Ngày 9/10, toàn bộ luật sư của các bị cáo đã trình bày xong quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình trong phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục phần trình bày quan điểm bảo vệ thân chủ của luật sư các bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cựu Phó Tổng Giám đốc SCB mong xem xét để có mức án thấu tình, đạt lý

Theo cáo buộc, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ SCB Trần Thị Mỹ Dung đã cùng các bị cáo khác giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại. Ngoài ra, Dung còn bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan rửa tiền hơn 69.000 tỷ đồng.

Trình bày quan điểm bảo chữa, luật sư của Trần Thị Mỹ Dung cho rằng khi thực hiện gói trái phiếu tại Công ty Setra, bị cáo Dung chưa giữ chức phó Tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ SCB mà giữ chức phó Giám đốc khối tái thẩm định SCB.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Một bị cáo trình bày đã hiến máu hơn 20 lần, xin giảm nhẹ hình phạt- Ảnh 1.

Bị cáo Trần Thi Mỹ Dung hồi xét xử giai đoạn 1. Ảnh: TTBC.

Luật sư cho rằng phó Giám đốc khối tái thẩm định có thẩm quyền hạn chế hơn rất nhiều so với phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ. Do đó, hành vi của Dung so với các bị cáo khác là ngang hàng nhau, không ai có vị trí cao hơn để chỉ đạo nhóm còn lại.

"Bị cáo Dung không tham gia vào việc lên kịch bản chạy dòng tiền mà chỉ sai phạm khi tiếp nối hành vi này. Kịch bản chạy dòng tiền này đã có sẵn, được nhân viên, lãnh đạo SCB thực hiện như một thói quen", luật sư nói.

Tự bào chữa, bị cáo Dung bày tỏ ân hận về hành vi phạm tội và xin HĐXX xem xét. Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị cáo Dung trình bày, chỉ có hành vi truyền đạt chỉ đạo của cấp trên tới các đơn vị kinh doanh thông qua một nhóm chat và không biết về việc phát hành trái phiếu Setra. Bị cáo này mong HĐXX xem xét vai trò của mình trong vụ án để có mức án thấu tình, đạt lý.

"Cái giá của bị cáo quá đắt. Cộng cả hai giai đoạn của vụ án, mức án của bị cáo lên đến 30 năm tù. Từ giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo đã muốn buông xuôi, từng không muốn nói gì nữa, không bào chữa gì nữa. Nhưng hàng ngày, từ tòa về trại tạm giam nhìn thấy cha mẹ của bị cáo đứng chờ, thấy con trai 8 tuổi đứng vẫy tay chào mẹ. Bị cáo biết với mức án này, tuổi thơ và tuổi trưởng thành của con bị cáo sẽ không có mẹ, đây là nỗi đau đớn của bị cáo", cựu Phó Tổng Giám đốc SCB nói.

Xin giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới vì phải nuôi con nhỏ

Theo cáo buộc, cựu Chủ tịch HĐQT SCB Bùi Anh Dũng bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu Công ty Setra để chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng và rửa tiền 712 tỷ đồng.

Đại diện VKS đề nghị mức án đối với bị cáo Dũng 10-12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Trong giai đoạn 1, bị cáo Bùi Anh Dũng bị tuyên phạt tù chung thân về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hiện đã có đơn kháng cáo.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Một bị cáo trình bày đã hiến máu hơn 20 lần, xin giảm nhẹ hình phạt- Ảnh 2.

Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1. Ảnh: TTBC.

Tại phần bào chữa, bị cáo Dũng khóc và xin cúi đầu chịu tội trước hơn 35.000 bị hại trong vụ án. Bị cáo này cũng gửi lời xin lỗi đến người thân trong gia đình đang là bị hại trong vụ án.

Cựu Chủ tịch HĐQT SCB Bùi Anh Dũng cho biết sẽ chấp nhận tất cả và xin chịu trách nhiệm. Quá trình điều tra, xét xử đã làm rõ bản chất vụ án nên bị cáo Dũng không tranh luận, bào chữa.

Bị cáo Dũng chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm trong vụ án, trong đó có hai bị cáo cấp dưới là Nguyễn Thị Thúy Ái và Thái Thị Thanh Thảo vì có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất và phải nuôi con nhỏ.

Mong được giảm nhẹ hình phạt vì hiến máu hơn 20 lần

Bào chữa cho bị cáo Phạm Hoa Đăng, Kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C, luật sư cho rằng thân chủ của mình có sự chuyển biến rất tích cực về nhận thức và hành vi. Theo luật sư, bị cáo Đăng có nơi cư trú rõ ràng, nuôi con nhỏ, nơi làm việc rõ ràng, mong HĐXX xem xét về việc cho bị cáo hưởng mức án nhẹ nhất, không cần cách ly khỏi đời sống xã hội.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Đăng trình bày trong quá trình làm việc tại công ty đã phụ trách chức vụ Chủ tịch Công đoàn của công ty đã chăm lo đời sống cho 500 người lao động. Từ 2015, bị cáo vào công ty làm việc đã tham gia hiến máu cứu người hơn 20 lần, mỗi năm 2 lần, nay cũng trên 60 tuổi, hơn nữa có nhiều thành tích được cấp trên ghi nhận nên xin HĐXX xem xét giảm mức án.