Dân Việt

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cả đời đau đáu "cứu chữa" di tích lịch sử ở Thủ đô Hà Nội

Nguyễn Đức 10/10/2024 09:00 GMT+7
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính vừa nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội với các công trình trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trải dài từ khắp từ Bắc vào Nam, trong đó ông dành tình yêu đặc biệt cho Hà Nội.

Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính vừa nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội với các công trình trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa. Bằng tình yêu với Hà Nội, ông đã dành cả đời theo đuổi công việc bảo tồn các di tích của thành phố. Đặc biệt, ông được mọi người ghi nhận là "hiệp sĩ của di tích" song ông cho biết bản thân chỉ đóng góp một phần nhỏ.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính.

Trước hết, xin chúc mừng GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay. Thưa Giáo sư, với hơn nửa thế kỷ gắn bó với công tác bảo tồn di tích, di sản văn hóa ở Hà Nội, ông thấy mình đã để lại được những "di sản hay thành tựu" gì cho Thủ đô?

Bản thân tôi không làm việc gì lớn lao, cũng không để lại được gì nhiều, nhưng với tư cách là một nhà chuyên môn hơn nửa thế kỷ qua tôi đã tham gia trùng tu, tu bổ thành công nhiều công trình ở Hà Nội, đó là di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà hát lớn Hà Nội, đình Tây Đằng, chùa Tây Phương...

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cả đời đau đáu "cứu chữa" di tích lịch sử ở Thủ đô Hà Nội- Ảnh 1.

Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: D.V.

Trải qua thời gian, tôi cũng đã xác định được đường đi, nước bước, quan điểm, phương pháp kỹ thuật ứng dụng trong việc trùng tu, tu bổ các di tích lịch sử. Và Việt Nam hiện nay đang tiếp cận theo hướng phù hợp trong việc bảo tồn các di tích lịch sử.

Ông đã chủ trì trùng tu, tu bổ thành công nhiều công trình ở Hà Nội như Đình Tây Đằng, Chùa Tây Phương, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà hát lớn Hà Nội, … Quan điểm của ông khi "đụng tay" vào các công trình này để bảo tồn được các giá trị lịch sử, văn hóa?

Trước tiên về công trình, từ cuối những năm 70 tôi đã chủ trì, tham gia trực tiếp vào việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa, với tôi đó là một cột mốc đặc biệt.

Với công trình tu bổ đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội, đây là công trình có kiến trúc cổ nhất Việt Nam từ thế kỷ 16. Việc trùng tu ngôi đình Tây Đằng đặt ra nhiều vấn đề cho chúng tôi ở thời điểm cuối những năm 1970, khi hoàn cảnh kinh tế đặc biệt eo hẹp và chúng ta hầu như chưa hình thành những quan điểm bài bản về trùng tu di tích kiến trúc gỗ.

Nhưng sau đó, chúng tôi đã thực hiện tu bổ theo hướng bài bản, khoa học, tu bổ trên quan điểm không phải giống các vụ ngày xưa thường làm "hỏng đâu sửa đấy" mà thực hiện theo hướng bảo tồn nguyên vẹn. 

Và một loạt giải pháp kỹ thuật được đưa ra đối với việc trùng tu đình Tây Đằng đó là hạn chế tối đa sự thay thế. Nếu cấu kiện nào đó bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống "chắp-vá-nối" để giữ lại nó; cấu kiện nào không thể giữ lại được thì thay thế bằng loại gỗ tương tự, lặp lại hình dáng của cấu kiện gốc.

Khi trùng tu, cứu chữa di tích lịch sử, tôi luôn muốn làm cho di tích có khả năng tồn tại lâu dài, thoát ra khỏi tình trạng xuống cấp, hủy hoại của tự nhiên.

Việc này nó cũng giống như chữa trị cho một bệnh nhân. Bệnh nhân sau khi được chữa trị, tóc sẽ đen lên, khỏe lên, béo lên. Nhưng với di tích, cái khó nhất là khi có vật liệu mới, vật liệu thay thế nhưng không được làm cho di tích mất đi tính chất lịch sử, đặc trưng kiến trúc và bảo tồn nguyên vẹn. Và chính điều này tôi lần đầu tiên thực hiện được ở di tích đình Tây Đằng.

Và sau này, phương pháp này đã được khẳng định, được nhân dân đón nhận. Chúng tôi đã tiếp tục trùng tu chùa Kim Liên (Tây Hồ); chùa Thầy (Quốc Oai); chùa Tây Phương (Thạch Thất).

Các công trình văn hóa lịch sử phần lớn làm bằng gỗ hiện nay đều bị thay thế rất nhiều, có những công trình phải đến 70-80% là gỗ mới; rồi việc trùng tu không thể hiện theo bản cổ, bản cũ của các cụ ngày xưa cho nên việc tu bổ không triệt để. Thành ra công trình tu bổ tốn kém, không còn giữ được nguyên vẹn.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cả đời đau đáu "cứu chữa" di tích lịch sử ở Thủ đô Hà Nội- Ảnh 3.

Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: D.V.

Tôi giả sử có hàng nghìn di tích làm bằng gỗ cần thay thế, vậy nếu thay thế hết bằng gỗ mới thì Việt Nam lấy đâu ra gỗ hay phải đi mua từ bên nước ngoài. Rồi khi tu bổ rất tốn kém, chưa kể thiếu nghệ nhân kinh nghiệm, làm bài bản.

Bản thân tôi luôn bảo vệ quan điểm là không nên đấu thầu khi tu bổ các công trình di tích lịch sử, nhất là công trình đặc biệt quan trọng của quốc gia, công trình của dân tộc. Bởi việc này có thể sẽ kéo théo hệ lụy những người thực hiện việc tu bổ thiếu chuyên môn, xâm hại đến di tích, mất đi tính nguyên vẹn của nó.

Trong những công trình đã thực hiện ở Hà Nội, đâu là công trình tâm huyết nhất của ông, thưa Giáo sư?

Với tư cách là một nhà chuyên môn, người phụ trách tu bổ bảo tồn di tích nhiều công trình, nhất là thời kỳ bao cấp, tôi nghĩ rằng có một công trình là cột mốc trong sự nghiệp của tôi đó việc tu bổ chùa Kim Liên (Tây Hồ), rồi đến những công trình phức tạp, quan trọng, đặt ra nhiều thử thách như việc bảo tồn trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đây là ba công trình đã thực hiện xong và vượt qua được những thách đố lớn trong việc trùng di tích.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là công trình di tích văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng. Đây là công trình kiến trúc trọn vẹn ăn nhập với nhau không có sự tương phản, không có sự tan vỡ mà vẫn là một kiến trúc quần thể hóa.

Bởi vậy việc tu bổ là đặt vấn đề tạo dựng mái che cho 82 bia Tiến sĩ. Với công trình này tôi tham gia với tư cách là người chủ trì, người chỉ đạo anh em trong quá trình trùng tu, bảo tồn.

Một số chuyên gia nói rằng lấy hóa chất để che phủ lên trên bia nhưng cách này, theo tôi đây là việc phá hoại những tấm bia Tiến sĩ một cách nhanh nhất. Rồi sau đó cũng có ý kiến làm một nhà che bia Tiến sĩ bằng sắt thép, kim loại nhưng sau đó cũng không phù hợp.

Sau đó, chúng tôi đã đề nghị làm một nhà che bia theo kiểu truyền thống. Để tránh tạo ra những nhà che bia có kích thước lớn, thách thức Khuê Văn Các và không gian sân thứ 3, chúng tôi chia thành 2 dãy, 8 nhà che bia, ăn nhập về tỷ lệ xích với quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Và giải pháp này sau đó được người dân Thủ đô đón nhận, không chê, kể cả những người khó tính nhất.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cả đời đau đáu "cứu chữa" di tích lịch sử ở Thủ đô Hà Nội- Ảnh 4.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính. Ảnh: Dân Việt.

Rồi đến không gian trong sân thứ 5 Văn Miếu Quốc Tử Giám, chúng tôi cũng làm theo kiến trúc truyền thống không giả một thời nào cả, đồng thời biến nơi đây một không gian đậm nét văn hóa. Ngoài việc nơi này dành cho khách tham quan, đây cũng là nơi diễn ra buổi lễ trao giải Bùi Xuân Phái, thu hút đông đảo quan khách trong và ngoài nước.

Với Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi cũng đặt vấn đề thống nhất với quan điểm bảo tồn di tích và di sản văn hóa xuyên suốt trong sự nghiệp của mình, đó là giữ gìn tính nguyên gốc.

Việc tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc.

Đặc biệt, quá trình trùng tu không được làm biến đổi, đề cao giá trị ban đầu của kiến trúc cũng như trang trí Nhà hát lớn Hà Nội cho phù hợp. Có những thiết bị nặng 300 tấn được đưa vào một công trình cổ như Nhà hát lớn Hà Nội nhưng chúng tôi khi trùng tu vẫn phải đảm bảo không để bị ảnh hưởng, đảm bảo không gian truyền thống vốn có.

Thưa Giáo sư, từ khi Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đến nay, Hà Nội đã có nhiều thanh đổi mạnh mẽ về quy mô, kiến trúc, dân số. Với góc nhìn của một kiến trúc sư, ông thấy sự thay đổi này có đi đúng hướng với một đô thị như Hà Nội?

Tôi nghĩ rằng Việt Nam hiện nay vẫn đang cố gắng bảo quản, duy trì can thiệp tối thiểu, bảo quản tối đa, không trẻ hóa di tích, phải giữ cho di tích với độ tin cậy của nó là chứng nhân lịch sử, phải là những ông cụ già sống lâu, tóc vẫn bạc, mắt vẫn nhăn nhó nhưng không trẻ hóa…

Ông có góp ý gì để Thủ đô vừa phát triển đô thị hiện đại, vừa giữ lại những nét cổ kính, xưa cũ, lãng mạn?

Hiện nay TP.Hà Nội quan tâm rất tốt đến việc bảo tồn di tích và di sản, việc làm này tương đối ổn, nhưng cái đáng lo nhất là Hà Nội làm sao phát triển nhanh nhưng vẫn phải cân bằng.

Đừng biến cả vốn liếng đô thị rất nhỏ nhoi, mỏng manh ấy bị teo đi, bị đè bẹp đi bởi một đô thị quốc tế hóa đồ xộ, chiếm dụng thiên nhiên một cách quá tay.

Trân trọng cám ơn ông!