Sáng 10/10, một lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) xác nhận, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các cơ quan chức năng, điều tra, làm rõ vụ việc phát hiện 2 thi thể không còn nguyên vẹn tại khu nghĩa trang thôn Tuy Đức, xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức).
Theo thông tin ban đầu, sáng 9/10 trong quá trình làm rẫy, một người dân đã phát hiện 2 thi thể đang trong quá trình phân hủy tại khu vực nghĩa trang thôn Tuy Đức nên trình báo cơ quan chức năng.
Theo người dân địa phương, thi thể 2 nạn nhân trên đang trong quá trình phân hủy. Tại hiện trường, người dân phát hiện một chiếc áo nylon màu tím, một chiếc áo màu hồng, nghi là áo nạn nhân.
Sau khi thực hiện các công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được danh tính các nạn nhân.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ngày 10/10, chị Trần Thị Hồng Dân (tạm trú xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, cháu trai của chị là Trần Gia Bảo (12 tuổi) đột nhiên mất tích bí ẩn vào trưa 8/10 khi đi bán vé số, đến nay vẫn chưa tìm được. Hiện, gia đình đã trình báo đến các cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ tìm kiếm.
Theo chị Dân, cháu Bảo đã nghỉ học, đi bán vé số khoảng một tháng nay. Bảo thường bán ở khu vực gần ngã ba cầu Dần Xây, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi và khu vực 2 siêu thị ở đường Trần Huỳnh, phường 7, TP.Bạc Liêu.
"Thường ngày, 6 giờ sáng, Bảo từ nhà bà nội ở huyện Hoà Bình (Bạc Liêu) lên nhà người quen ở xã Long Thạnh để đi bán vé số, đến 13 giờ thì về nhà nghỉ trưa. Khoảng 16 giờ, Bảo đi lấy vé số tại đại lý trên địa bàn xã Long Thạnh rồi bán tiếp, đến 19 giờ mới về với bà nội".
Tuy nhiên, khoảng 12 giờ trưa 8/10, gia đình điện thoại kêu Bảo về ăn cơm thì Bảo nói sẽ về nhưng sau đó không thấy đâu, gia đình điện lại thì không liên lạc được. Khoảng 9 giờ ngày 9/10, gia đình gọi lại cho Bảo thì chỉ nghe chuông điện thoại đổ nhưng không ai bắt máy.
Trước khi mất tích bí ẩn, Bảo mặc áo khoác màu xanh, áo thun dài tay màu đen, quần thun dài màu vàng có 2 sọc đen.
Theo một lãnh đạo UBND xã Long Thạnh, Công an xã đã tiếp nhận tin báo từ gia đình Bảo và đang xác minh vụ việc.
Sáng 10/10, phiên tòa xét xử giai đoạn hai vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục phần bảo vệ quyền lợi của luật sư cho những người có quyền, nghĩa vụ liên quan về các tài sản kê biên trong vụ án.
Trong phạm vi vụ án đang xét xử, cơ quan điều tra đã thu giữ 224 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỷ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và gần 262.000 USD.
Các cơ quan tố tụng cũng kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, vốn góp (liên quan đến bà Lan, các bị cáo khác và các cá nhân được nhờ đứng tên) tại nhiều tập đoàn, công ty với tổng giá trị quy đổi là khoảng 12.313 tỷ đồng; kê biên 9 bất động sản của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Tại phiên toà, luật sư đại diện cho bà Võ Thị Kim Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Thành Long An cho rằng, giao dịch giữa Công ty và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là ngay tình, hợp pháp nên mong muốn được thực hiện dự án (Khu Công nghiệp và đô thị Việt Phát - PV).
Khi được hỏi về gói trái phiếu của Công ty Cổ phần Bông Sen thực hiện như thế nào, vị luật sư cho rằng gói trái phiếu này trước đây Tập đoàn Novaland đã thỏa thuận hợp đồng với bà Trương Mỹ Lan nhưng các bên chưa thỏa thuận được mức giá. Do đó, luật sư đề nghị bà Trương Mỹ Lan cử 1 người đại diện hợp pháp để rà soát lại số tiền cuối cùng.
"Nghĩa vụ tồn đọng của công ty đã liệt kê ra chưa?", HĐXX hỏi. Luật sư cho rằng, bà Khoa sẵn sàng chấp thuận những giao dịch này và mong muốn xem xét tháo gỡ tài sản của công ty và những dự án đang bị kê biên nhằm khắc phục hậu quả cho các trái chủ. Theo vị luật sư, thời điểm thỏa thuận, phía công ty đã đặt cọc gần 1.700 tỷ đồng để vào điều hành Công ty Tân Thành Long An.
Tuy nhiên, tháng 8/2022 làm hợp đồng, tháng 9/2022 đặt cọc thì đến tháng 10/2022 bà Trương Mỹ Lan bị bắt và dự án bị kê biên nên chưa thực hiện được gì tại dự án.
Trong vụ án này, có hơn 35.000 người bị hại thông qua việc mua trái phiếu của các công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo tìm hiểu, lô trái phiếu mã BSECH2126003 được Công ty Bông Sen phát hành ngày từ tháng 10/2021, tổng giá trị dư nợ 4.800 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm.
Liên quan đến lô trái phiếu này, Công ty cổ phần Bông Sen đã đưa các tài sản để đảm bảo bao gồm: Phần góp vốn 30% của bà Trần Thị Phơ tại Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức; 63,4 triệu cổ phần công ty Daeha thuộc sở hữu của Công ty Hợp Thành 1; các hồ sơ thế chấp một loạt tài sản là bất động sản tại trung tâm TP.HCM như: 55-56 Nguyễn Huệ - Khách sạn Palace; 61 - 63 Hai Bà Trưng - Khách sạn Bông Sen 2; số 5 Nguyễn Thiệp, số 24/24, Đông Du, số 93-95-97 Đồng Khởi.
Mục đích phát hành lô trái phiếu để đầu tư vào Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ và căn hộ tại số 152 Trần Phú (quận 5, TP. HCM), do Công ty TNHH Vina Alliance (gọi tắt là Vina Alliance) đứng tên.
Đây là công ty liên danh do Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) góp vốn bằng chính quyền sử dụng lô đất 3 mặt tiền tại số 152 Trần Phú, có tổng diện tích 30.977m2. Sau khi Vinataba thoái toàn bộ vốn, khu đất vàng này được "sang tay" Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, bà Trần Thị Phơ là người nắm 30% cổ phần. Số cổ phần này được sử dụng để làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB để phát hành lô trái phiếu vào tháng 10/2021 của Công ty cổ phần Bông Sen.
Ngày 16/8/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã chấp thuận cho Vinataba đăng ký biến động đất đai, đem khu đất trên góp vốn vào Vina Alliance.
Tuy nhiên năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định Vinataba đã có sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, thoái vốn tại dự án trên, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước, do đó yêu cầu doanh nghiệp này có trách nhiệm thu hồi lại khu đất.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Vinataba không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp Nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng hơn 30.927m2 tại 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước.
Mới đây nhất, ngày 25/10/2023, Phó Chủ tịch UNBD TP. HCM, Bùi Xuân Cường ký ban hành quyết định thu hồi khu đất trên và xác định hành vi cố ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Vinataba là vi phạm pháp luật theo điểm d, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 (về đất không được chuyển nhượng, tặng cho).
Ngày 5/3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Vina Alliance, do hết thời hạn điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án theo yêu cầu của UBND TP.HCM, nên hiện nay UBND quận 5 không xác định được đối tượng bàn giao khu đất.
Trong khi đó, Vinataba lại cho rằng, đơn vị này hiện không còn quản lý, sử dụng khu đất trên nên không thể bàn giao, bởi trước đó, Vinataba đã hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại Vina Alliance sau khi chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Công ty TNHH Sơn Đông theo Hợp đồng chuyển nhượng vốn ngày 13/6/2017.
Theo cơ quan tố tụng xác định, Công ty Bất động sản Trí Đức và Công ty cổ phần Bông Sen có liên quan đến vụ án trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 đang đưa ra xét xử. Còn Vinataba được xác định là đã hoàn tất góp và thoái toàn bộ vốn trước thời điểm trái phiếu được phát hành khá lâu, cũng như đã nhận đầy đủ số tiền theo thỏa thuận với các cổ đông sáng lập khác là Pacific Alliance và Sơn Đông.
Về trách nhiệm trong việc làm thất thoát tài sản Nhà nước của các cá nhân, tập thể tại Vinataba cũng chưa được làm rõ, xử lý và công khai sau hơn 2 năm xác định có sai phạm. Phía Công ty Bông Sen cho rằng, việc thu hồi khu đất 152 Trần Phú sẽ có những ảnh hưởng tới nhà đầu tư, do 4.800 tỷ đồng huy động từ việc bán lô trái phiếu của Công ty Bông Sen không được sử dụng đúng mục đích và liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát.
Ngày 10/10, lãnh đạo UBND phường Nhơn Bình (TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho hay, Công an phường đã vào cuộc xác minh vụ việc cha bạo hành, đánh đập con 3 tháng tuổi, khiến cháu bé phải nhập viện với nhiều vết bầm trên cơ thể.
"Hiện lực lượng công an đã đến bệnh viện nơi cháu bé 3 tháng tuổi đang điều trị để xác minh thông tin, sau đó sẽ triệu tập các cá nhân liên quan để xử lý", vị này nói.
Theo thông tin ban đầu, vào sáng cùng ngày, mạng xã hội lan truyền nội dung, hình ảnh một cháu bé 3 tháng tuổi có nhiều vết bầm trên cơ thể do bị cha ruột đánh đập, khiến cộng đồng mạng vô cùng bức xúc. Cháu bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để cấp cứu, điều trị.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, qua kiểm tra, các bác sĩ xác định cháu bé 3 tháng tuổi bị tổn thương phần mềm, không có nguy hiểm đến tính mạng, có thể cho cháu xuất viện trong ngày.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm giữ Lê Hữu Khang (SN 1996, quê An Giang) để điều tra về hành vi giết người. Nạn nhân là Liêu Hữu Nghĩa (SN 2002, cùng quê An Giang).
Theo điều tra ban đầu, Khanh và Nghĩa đều làm công nhân tại một công ty trong Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Vào khoảng 9h30 ngày 9/10, do cây búa làm việc bị gãy, Khang đến khu vực hàn trong công ty để sửa lại. Trên đường đi, Khang gặp T.Y.N (vợ của Nghĩa). Thấy Khang, N nói không lo làm việc mà đi lòng vòng nên cả hai xảy ra mâu thuẫn.
Đến 11h30 cùng ngày, nghe vợ kể lại, Nghĩa đã đến chỗ làm việc tìm Khang để nói chuyện và dẫn đến cãi vã.
Trong lúc xô xát, Khang đã dùng một con dao rọc giấy đâm vào bụng Nghĩa. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Sau khi gây án, Khang đã đến cơ quan công an đầu thú và giao nộp tang vật.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.