HTX Bình Minh thành lập năm 2017, tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Sau hơn 6 năm hoạt động, HTX đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, HTX đang liên kết với 825 hộ nông dân trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là 1 trong 13 HTX đạt chứng nhận Rainforest Alliance tại Việt Nam.
Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh, ông Lê Anh Sơn, ở thôn Tân Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ rằng Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên đóng vai trò là "thủ phủ" của hai loại nông sản chiến lược này.
Tuy nhiên, qua gần 7 năm hoạt động trong lĩnh vực hồ tiêu và cà phê, HTX Bình Minh nhận thấy nhiều thách thức mà người nông dân phải đối mặt trong việc tối ưu hóa lợi nhuận từ sản xuất.
Một trong những khó khăn lớn nhất là người nông dân vẫn thiếu kiến thức về thị trường và chưa có điều kiện để bảo quản nông sản đúng cách.
Thực tế, sau khi thu hoạch, nhiều nông dân phải bán ồ ạt hoặc gửi cà phê, hồ tiêu cho đại lý do thiếu kho bãi đạt chuẩn để lưu trữ hàng hóa.
Điều này làm gia tăng nguồn cung quá mức trong thời điểm thu hoạch, dẫn đến giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiện tại, nguồn hàng tồn kho cà phê và hồ tiêu trên thế giới đang khan hiếm, dẫn đến giá tăng đột biến trong thời gian qua. Cụ thể, giá cà phê đã tăng từ 50.000 - 51.000đ/kg vào tháng 4/2023 lên đến 134.000 - 134.200đ/kg vào tháng 4/2024. Tương tự, giá hồ tiêu từ 70.000 – 72.000đ/kg vào tháng 6/2023 đã leo lên mức 176.000 – 180.000đ/kg vào tháng 6/2024.
Để duy trì mức giá ổn định và tăng thu nhập cho người trồng cà phê, hồ tiêu, HTX Bình Minh đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tối ưu hóa thị trường nông sản, giúp ổn định giá nông sản.
Đề xuất với Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
HTX Bình Minh kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các cấp Hội Nông dân địa phương để tuyên truyền và hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng các phương án giúp ổn định giá nông sản, cụ thể như sau: Chỉ bán cà phê, hồ tiêu khi cần thiết, việc này giúp giảm áp lực cung ứng ra thị trường, giữ cho giá nông sản luôn ở mức cao.
Không ký gửi nông sản cho các đơn vị thiếu uy tín để đảm bảo rằng sản phẩm của nông dân được bảo quản tốt và không bị mất giá trị.
Tránh vay nóng để đầu cơ nông sản, điều này giúp hạn chế rủi ro tài chính và tránh tình trạng ép giá trong lúc thị trường biến động.
Giữ bình tĩnh trước biến động giá cả, cùng với đó là khuyến khích nông dân đưa ra quyết định tài chính thông minh thay vì phản ứng hoảng loạn khi thị trường thay đổi.
Theo ông Lê Anh Sơn, việc áp dụng đồng bộ các phương án này sẽ giúp kiểm soát nguồn cung cà phê và hồ tiêu, buộc các đối tác quốc tế phải trả giá cao hơn cho nông sản Việt Nam.
Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
HTX Bình Minh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng các kho bãi đạt chuẩn, giúp người nông dân bảo quản cà phê và hồ tiêu một cách hiệu quả hơn. Việc này không chỉ giúp ổn định giá cả mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Những giải pháp mà HTX Bình Minh đưa ra thể hiện quyết tâm hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, gia tăng giá trị kinh tế của cà phê và hồ tiêu, đồng thời nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
HTX Bình Minh cũng rất mong muốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xem xét kỹ lưỡng những đề xuất trên và có những hành động cụ thể để hỗ trợ nông dân và hợp tác xã trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông sản Việt Nam.