Dân Việt

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: "Nhiều nhóm đối tượng còn khó khăn hơn cần hỗ trợ"

Nguyệt Tạ 11/10/2024 13:46 GMT+7
Trước đề xuất miễn học phí cho con giáo viên trong Dự thảo Luật Nhà giáo sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại vì nhiều đối tượng còn khó khăn hơn. Đặc biệt, cần tính toán kỹ tác động của ngân sách nhà nước.

Cần lấy ý kiến dư luận rộng rãi khi đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Chia sẻ với PV báo Dân Việt sáng 11/10, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu kỹ về đề xuất miễn, giảm học phí cho con giáo viên. 

“Chính phủ nên đánh giá kỹ tác động của chính sách tới hiệu quả kinh tế, khả năng cân đối của ngân sách nếu áp dụng chính sách này. Đặc biệt xem xét tính thống nhất trong hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi của công chức, viên chức ngành giáo dục với các ngành nghề khác”, ông Lợi nói.

Theo ông, hiện nay có khá nhiều thầy cô giáo ở vùng đô thị có mức sống khá giả. Vì thế, việc đề xuất đồng loạt miễn học phí cho con em họ cũng không thật cần thiết, chỉ nên tập trung vào nhóm nào khó khăn thực sự.

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: "Nhiều nhóm đối tượng còn khó khăn hơn cần hỗ trợ"- Ảnh 1.

Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất miễn giảm học phí cho con em giáo viên. Ảnh: N.Dung

Thứ 2, theo ông Bùi Sỹ Lợi, chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho học sinh con giáo viên là chính sách tốt, nhân văn, ai cũng mong muốn thực hiện nhưng cần xem xét khả năng, nguồn lực của Nhà nước liệu có khả năng đáp ứng được không? Nếu thực hiện theo báo cáo của Dự thảo Luật Nhà giáo thì ngân sách của Nhà nước có bị quá tải không?

Thứ 3, trước khi đề xuất, Chính phủ cung cấp thông tin lấy ý kiến bộ, ban ngành và đặc biệt là người dân có liên quan để tham khảo ý kiến của dư luận xã hội có đồng tình, chính sách có mâu thuẫn gì không... từ đó mới có tính toán cụ thể.

Thay vì miễn học phí cho con giáo viên, nên để dành nguồn lực để miễn giảm học phí cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Chia sẻ thêm với PV Báo Dân Việt, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng ban Nữ công Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, quan điểm cá nhân của bà là ủng hộ các chính sách nhân văn, tuy nhiên cần xem xét, cân nhắc cụ thể trong từng trường hợp, từng đối tượng.

"Có thể đây sẽ là chính sách đặc thù nhằm thu hút lượng giáo viên chất lượng công tác gắn bó ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, theo tôi không nên áp dụng đại trà trong tất cả lực lượng giáo viên", bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, còn nhiều nhóm đối tượng khác khó khăn, có thu nhập thấp hơn cần được hỗ trợ, ví dụ con em công nhân, con em đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: "Nhiều nhóm đối tượng còn khó khăn hơn cần hỗ trợ"- Ảnh 2.

Miễn giảm học phí cho con em giáo viên là nhân văn nhưng cần tính toán tới khả năng chịu đựng của ngân sách. Ảnh: N.Dung

Bà Vân cho biết, hiện Luật Công đoàn không có quy định miễn giảm học phí cho con em công nhân, nhưng trong Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi cũng có đề cập tới vấn đề chăm lo đời sống cho con em công nhân, ví dụ: Xây dựng trường học, miễn giảm học phí cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn; hoặc miễn giảm học phí cho con công nhân học các trường mầm non tư thục...

Trong nghị định105/2020/NĐ-CP Quy định về phát triển giáo dục mầm non và Nghị định 145/2020/NĐ - CP hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động và quan hệ lao động có nói rõ vai trò và sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động trong việc thực hiện chính sách giáo dục hỗ trợ nhóm lao động trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, ở đây không đề cập tới việc hỗ trợ cho con em công nhân làm khu chế xuất, hay các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Điều này là bất hợp lý.

Theo bà Vân, Tổng liên đoàn không phải đơn vị tham mưu chính sách, nhưng với vai trò giám sát thì Tổng liên đoàn luôn tích cực trong việc vận động các tỉnh, thành tăng cường chính sách hỗ trợ công nhân lao động, nhất những đoàn viên công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. Hiện đã có 53 tỉnh ban hành nghị quyết Hội đồng nhân dân nhằm mở rộng đối tượng công nhân lao động ở khu chế xuất và các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp được thụ hưởng chính sách từ 2 nghị quyết trên.

Trước đó, vào ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 với dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí mà ngân sách phải chi trả hàng năm vào khoảng 9.200 tỷ đồng.

Dự thảo cũng đề xuất các chính sách ưu đãi khác như giáo viên xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, mức phụ cấp ưu đãi tăng thêm 10% với giáo viên mầm non và 5% với giáo viên tiểu học.