Dân Việt

Hình ảnh từ flycam, Chủ tịch Hà Nội thấy Thủ đô đang là điểm xung yếu về đê chứ không phải các tỉnh

Hà Anh - Phạm Hoà 12/10/2024 09:33 GMT+7
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đợt lũ vừa rồi như một phép thử với các tuyến đê của thành phố. Qua thực tế, nhiều tuyến đê của thành phố rất lạc hậu, nguy cơ "xung yếu" hơn các tỉnh xung quanh.

Cử tri đề xuất xem xét sửa đổi Nghị định để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vừa cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri các huyện Mê Linh và Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cử tri huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn có ý kiến, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Cử tri Nguyễn Khắc Hãn (huyện Mê Linh) đề xuất xem xét sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm nâng cao mức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ.

Cử tri Nguyễn Khắc Hài (huyện Mê Linh) kiến nghị cho phép xác định tiền sử dụng đất để giao đất tái định cư cho các hộ gia đình cá nhân theo giá đất cụ thể, bảo đảm "1 dự án, 1 chính sách"; kiến nghị thành phố bố trí nguồn vốn xây dựng lại 3 trường học này đạt chuẩn quốc gia.

Cử tri huyện Mê Linh, huyện Sóc Sơn cũng bày tỏ kiến nghị liên quan đến hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024, quy định các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn Thành phố.

Bay flycam, Chủ tịch Hà Nội thấy Thủ đô đang là điểm xung yếu về đê chứ không phải các tỉnh - Ảnh 1.

Cử tri nêu các kiến nghị tại hội nghị. Ảnh: TP.HN

Trả lời cử tri, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, căn cứ theo quy định Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, các Bộ đã có nghị định, thông tư, thành phố đã có Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND cũng như các quyết định về giá đất, giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nam, Sở này vẫn triển khai tiếp nhận các thủ tục của người dân cũng như đã có hướng xử lý cho các trường hợp chia tách thửa. Về nội dung của Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND về các điều kiện để chia tách thửa đất ở, ông Nam cho biết, việc nâng diện tích tách thửa để bảo đảm phát triển đô thị văn minh, điều kiện sống tối thiểu người dân.

Trả lời ý kiến của cử tri về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thành phố đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, trong đó nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hiện dự thảo Nghị định thay thế đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi được Chính phủ ban hành.

Đối với chính sách hỗ trợ thiệt hại sau bão số 3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, thành phố có chính sách hỗ trợ gián tiếp cho vay lãi suất ưu đãi phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính ủy thác; hỗ trợ trực tiếp thông qua vận dụng tối đa các văn bản, đặc biệt là Luật Thủ đô nhằm nâng cao thẩm quyền của Thành phố trong hỗ trợ trực tiếp cho người dân.

Không mở được đường rộng là có lỗi với con cháu

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Tĩnh (xã Tráng Việt) nêu vấn đề, tuyến đê sông Hồng trên địa bàn huyện Mê Linh có chỗ được trải nhựa, có chỗ đổ bê tông, trông không khác gì "con rắn cạp nong, cạp nia", gây khó khăn cho đi lại, giao thông của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Về việc này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hàng năm TP.Hà Nội đều tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông tại các tuyến đê.

Thời gian tới, thành phố đang có dự án cải tạo đồng bộ giao thông các tuyến đê như kiến nghị của cử tri.

Cũng trả lời cử tri về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, khi về công tác ở Hà Nội ông đã yêu cầu các phòng chức năng bay flycam toàn bộ tuyến đê của Hà Nội và toàn bộ hệ thống giao thông đối ngoại của Hà Nội.

Bay flycam, Chủ tịch Hà Nội thấy Thủ đô đang là điểm xung yếu về đê chứ không phải các tỉnh - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, qua xem xét, thấy Hà Nội là điểm xung yếu về đê. Ảnh: TP.HN

Lãnh đạo TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan sau đó đã xem xét toàn bộ, "thấy một điều là Hà Nội đang là điểm xung yếu về đê chứ không phải các tỉnh xung quanh".

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, các tuyến đê của các địa phương gần Hà Nội đã cơ bản được đầu tư bài bản, "cứng hoá"; các tuyến đường kết nối đều làm rộng hơn Hà Nội.

Đợt lũ vừa rồi như một phép thử với các tuyến đê của thành phố. Ông Trần Sỹ Thanh chia sẻ, qua thực tế nhiều tuyến đê của thành phố rất lạc hậu, nguy cơ "xung yếu" hơn các tỉnh xung quanh. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống đường đối ngoại của Hà Nội cũng chưa theo kịp các tỉnh xung quanh.

Người đứng đầu UBND TP.Hà nội cũng cho biết, có tỉnh quy hoạch đường 60m và đã làm thật ra đường 60m, trong khi Hà Nội quy hoạch nhiều đường chỉ hơn 20m.

"Rất nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh khác mong muốn Hà Nội phải đấu nối giao thông tương xứng. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các ngành lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030, trong đó phải ưu tiên hai lĩnh vực này. Không thể để Hà Nội kiểu như thế này được" – Chủ tịch Hà Nội nói.

Dẫn chứng đường ở Vĩnh Phúc, ông Thanh chia sẻ, "đường của người ta mở có thể còn chưa ai ở, nhưng rất rộng. Đường có thể xấu nhưng mặt đường rất rộng, tôi chưa nói chất lượng".

Vị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đánh giá, "cứ loay hoay loay hoay, không biết Thủ đô to đẹp thế nào mà đường cứ bé tẹo. Giờ làm nông thôn mới cũng vậy, phải làm những con đường rộng. Chúng ta không làm được việc này thì rất có lỗi với tương lai con em chúng ta".

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng lưu ý, các địa phương làm việc gì hôm nay cũng phải nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến vài chục năm nữa, đặc biệt là vấn đề quy hoạch.