Trịnh Nhất Tẩu: Từ kỹ nữ đến nữ hoàng hải tặc khét tiếng mọi thời đại
Trong một thời đại mà đàn ông thống trị biển cả, một phụ nữ đã đứng lên và trở thành nữ hoàng hải tặc quyền lực nhất. Trịnh Nhất Tẩu, với hạm đội 80.000 người, đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp các vùng biển, thách thức mọi quy tắc và định kiến.
Nhiều người cứ nghĩ chỉ có nam giới làm hải tặc. Thế nhưng, trong lịch sử, một phụ nữ gây rúng động dư luận khi trở thành nữ cướp biển khét tiếng mọi thời đại. Người này chính là Trịnh Nhất Tẩu hay còn gọi Zheng Shi đến từ Trung Quốc.
Theo các sử liệu, Trịnh Nhất Tẩu xuất thân là kỹ nữ sống ở Quảng Đông dưới thời nhà Thanh. Cuộc đời của bà thay đổi khi bị nhóm hải tặc bắt làm vợ trùm cướp biển họ Trịnh vào năm 1801.
Kể từ đây, Trịnh Nhất Tẩu theo chồng cùng hạm đội cướp biển Red Flag (Cờ Đỏ) gây ra nhiều vụ tấn công, cướp bóc tàu thuyền đi biển và kiếm được khoản tiền lớn.
Vào năm 1807, chồng chết nên Trịnh Nhất Tẩu trở thành thủ lĩnh hạm đội cướp biển Red Flag. Dưới sự chỉ huy của nữ cướp biển này, nhóm hải tặc Red Flag ngày càng hung bạo và hoạt động mạnh hơn ở nhiều lĩnh vực.
Không chỉ tấn công tàu thuyền đi biển, nhóm hải tặc do Trịnh Nhất Tẩu chỉ huy còn thực hiện các vụ bắt cóc, tống tiền, thu tiền bảo kê. Ả còn lập giao kèo với một số thương nhân trên đất liền để có nguồn cung cấp thực phẩm đầy đủ.
Vào thời kỳ cực thịnh, Trịnh Nhất Tẩu chỉ huy khoảng 1.500 tàu cướp biển với số hải tặc lên đến khoảng 80.000 người. Dù có số thành viên "khủng" như vậy nhưng Trịnh Nhất Tẩu vẫn nắm quyền chỉ huy dù là một phụ nữ bởi tính cách hung bạo và kỷ luật "thép". Bất cứ tên hải tặc nào dám chống đối hay có ý định làm phản đều bị giết chết.
Những hoạt động của nhóm cướp biển Trịnh Nhất Tẩu gây ra khiến triều đình nhà Thanh và các nước như Anh, Bồ Đào Nha chịu thiệt hại lớn. Dù thực hiện nhiều cuộc chiến nhằm tiêu diệt hạm đội hải tặc của Trịnh Nhất Tẩu nhưng giới chức trách không thể giành phần thắng.
Cuối cùng, vào năm 1810, triều đình nhà Thanh đưa ra một thỏa thuận đề nghị Trịnh Nhất Tẩu "giải nghệ" và đổi lại là việc bà sẽ được tự do, không bị xử tội. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để rút chân khỏi giới cướp biển an toàn, Trịnh Nhất Tẩu đồng ý.
Theo đó, nhóm cướp biển của Trịnh Nhất Tẩu với 126 tên hải tặc bị xử trảm. Khoảng 400 tên cướp biển đi lưu đày và số còn lại trong số 80.000 tên hải tặc được thả tự do.
Về phần Trịnh Nhất Tẩu, nữ cướp biển này sau khi "giải nghệ" thì đến Phúc Kiến mở sòng bài và nhà thổ kiếm tiền sống bình an tới già. Bà qua đời năm 1844 khi 59 tuổi.