Dân Việt

Bên trong xưởng truyện tranh như "lò nô lệ" tại Trung Quốc

Trọng Hà (Theo 6tones) 14/10/2024 14:54 GMT+7
Một xưởng truyện tranh nổi tiếng nhất Trung Quốc bị nhân viên tố kiểm soát tinh thần của nhân viên bằng cách lăng mạ và thao túng, khiến họ phải làm việc quá sức mà không có quyền lợi an sinh xã hội.

A-soul, một trong những xưởng truyện tranh nổi tiếng nhất Trung Quốc, đang đối mặt với cáo buộc từ các cựu nhân viên về điều kiện làm việc kém và môi trường lao động khắc nghiệt. Cựu họa sĩ của xưởng, người có biệt danh Zhenliubao, đã chia sẻ trên mạng xã hội Weibo vào ngày 22/9, cáo buộc A-soul phá hoại giấc mơ của anh và những đồng nghiệp khác. 

Theo Zhenliubao, kể từ khi thành lập vào năm 2008, hàng chục họa sĩ đã phải sống trong các phòng ký túc xá được cải tạo từ một nhà máy chăn nuôi, không có không gian riêng tư và phải sử dụng phòng tắm chung. Zhenliubao cho biết: "Chúng tôi không bao giờ được phép mở rèm, họ bắt chúng tôi phải làm việc trong môi trường tối tăm trong nhiều năm."

Bên trong "lò nô lệ" trá hình xưởng truyện tranh tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Hình ảnh bên trong xưởng truyện tranh gây sốc. Ảnh: IG.

Ngoài ra, ông còn tố cáo rằng chủ xưởng truyện tranh, Liu Zhi, đã kiểm soát tinh thần của nhân viên bằng cách lăng mạ và thao túng, khiến họ phải làm việc quá sức mà không có quyền lợi an sinh xã hội. Cuối năm, tiền lương được chia đều mà không có phúc lợi bổ sung. Tình trạng này đã khiến nhiều họa sĩ phải làm việc đến kiệt sức, như trường hợp của Laogui, một cựu nhân viên khác, chia sẻ rằng anh phải làm việc liên tục 12-14 trang mỗi ngày, gấp đôi so với thông thường, dẫn đến thiếu ngủ và căng thẳng tâm lý nghiêm trọng.

Tranh cãi về quyền lao động tại A-soul

Trong khi các cựu nhân viên tố cáo xưởng truyện tranh A-soul, thì Liu Ke, một nhân viên hiện tại của xưởng, đã lên tiếng bảo vệ. Liu Ke, được biết đến với bút danh Jileniao, cho rằng điều kiện làm việc kém vào thời điểm trước đây là do xưởng quá nghèo nàn. Trên Weibo, Liu Ke phủ nhận các cáo buộc về ngược đãi nhân viên và khẳng định rằng tập thể họa sĩ truyện tranh A-soul là một nhóm đầy tham vọng, được xây dựng từ sự hy sinh của các thành viên. Theo Liu, ông và các đồng nghiệp đã "tự nguyện" góp tiền lương để duy trì hoạt động của xưởng trước khi nó chính thức đăng ký.

Liu Ke, người đứng thứ 9 trong danh sách các họa sĩ truyện tranh giàu nhất Trung Quốc năm 2013, với thu nhập 2,15 triệu nhân dân tệ từ tiền bản quyền, nhấn mạnh rằng quá trình xây dựng A-soul là một hành trình gian nan, yêu cầu sự cống hiến và hy sinh.

Tuy nhiên, bất chấp những lời giải thích của Liu Ke, cuộc tranh cãi xung quanh A-soul vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là Weibo, chủ đề về A-soul đã thu hút tới 92 triệu lượt xem. Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi đưa studio này ra tòa để bảo vệ quyền lợi của nhân viên. Một người dùng viết: "Nếu những gì Zhenliubao nói là sự thật, thì studio đã vi phạm luật lao động. Hãy thu thập bằng chứng và đưa ra tòa. Công lý sẽ được thực thi."

Cuộc tranh cãi này không chỉ xoay quanh vấn đề pháp lý mà còn dấy lên câu hỏi về đạo đức trong ngành công nghiệp sáng tạo tại Trung Quốc, nơi mà sự đam mê nghệ thuật đôi khi bị biến thành cái cớ cho những hành vi lạm dụng lao động.