Theo khảo sát của Dân Việt, mới đây, ngân hàng Agribank đưa ra lãi suất gói vay trung dài hạn dành cho mua nhà là từ 6 - 7%/năm, tùy theo thời hạn khoản vay. Tại ngân hàng BIDV có lãi suất vay mua nhà từ 5,5 - 7%/năm; tại ngân hàng Vietcombank, các gói lãi suất vay mua nhà, đất chỉ từ 5,5 - 8,5%/năm, cũng tùy thuộc vào thời hạn khoản vay.
Chỉ riêng ngân hàng VietinBank, khách hàng sẽ lựa chọn các gói lãi suất vay mua nhà cố định 6%/năm trong 12 tháng đầu, cố định 6,2%/năm trong 18 tháng, cố định 6,7%/năm trong 24 tháng đầu, hoặc cố định 8,2%/năm trong 36 tháng đầu. Biên độ lãi suất vay mua nhà sau ưu đãi 3,5%, hiện lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 9%/năm....
Các ngân hàng thương mại cổ phần còn đưa ra các gói ưu đãi với mức lãi suất vay mua nhà thấp hơn, từ 4,6 - 9,8%/năm. Theo một số nhà đầu tư, lãi suất vay mua nhà thấp đang mở ra cơ hội cho nhiều người dân có nhu cầu an cư.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty chứng khoán VCBS, so với thời điểm cuối 2023, trong nửa đầu năm 2024, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tăng hơn 10%, trong khi tín dụng vay mua nhà chỉ tăng hơn 1%. Sự chậm lại này được cho là do nguồn cung nhà ở hạn chế, cùng với việc giá nhà tăng mạnh đã tạo ra tâm lý e ngại cho cả nhà đầu tư và người mua nhà để ở.
VCBS nhận định, dù lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp kỷ lục nhưng nhu cầu vay vốn vẫn chưa cao do người dân chưa thể tiếp cận với các dự án phù hợp với khả năng tài chính.
Trong báo cáo hồi tháng 8/2024, VPBankS ghi nhận nhu cầu "an cư lập nghiệp" vẫn là nhu cầu chủ yếu của người dân. Hiện nay, tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân Việt Nam đang ở mức khá cao so với các nước phát triển.
Cũng trong báo cáo của VPBankS, công ty chứng khoán này cho biết: Theo Numbeo (dữ liệu trực tuyến lớn nhất thế giới về chi phí sinh hoạt, chỉ số nhà ở về các thành phố và quốc gia, có trụ sở tại Serbia), giá nhà trung bình ở Việt Nam trong năm 2024 gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình, nhích nhẹ từ mức 23,5 hồi 2023.
Đồng thời, VPBankS còn cho biết: Theo Fidelity (Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới), tỷ lệ này thường nên ở mức 3 - 5 lần. Như vậy, tại Việt Nam tỷ lệ này đang gấp khoảng 4 - 5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị.
Do vậy, dù lãi suất cho vay mua nhà giảm đáng kể trong một năm qua, nhưng giá nhà vẫn neo ở mức cao, khiến nhiều người khó hiện thực "giấc mơ an cư" của mình.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế lưu ý rằng gói ưu đãi cho vay mua nhà hiện nay dù có giảm nhưng vẫn không hiệu quả. Lượng giải ngân tính đến hiện tại là quá ít.
Chuyện đi vay là một vấn đề quan trọng. Nhưng nếu lãi suất và thời gian cho vay không phù hợp, đáp ứng cho người dân thì thì những chính sách ưu đãi của chính phủ đều chỉ có tiếng nhưng không có miếng.
TS Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn chia sẻ
Theo ông, nếu lãi suất cao hơn 5% và thời gian cho vay dưới 20 năm thì phần lớn các gia đình ở Việt Nam rất khó có thể mua được nhà. Ngay cả với những gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng hay 30.000 tỷ đồng thì người mua cũng rất khó tiếp cận.
Được biết, 70 - 80% vốn huy động của các ngân hàng là vốn ngắn hạn mà trong khi nhu cầu của người vay lại là dài hạn.
Chính vì vậy, ông đề xuất nguồn vốn có thể từ ngân sách quốc gia bằng việc huy động trái phiếu Chính phủ với thời gian từ 10 đến 30 năm.
Với trái phiếu 20 năm, mức lãi suất 3% là phù hợp và đẩy số tiền này sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc các ngân hàng thương mại tham gia vào chương trình cho vay.
Còn về các gói ưu đãi lãi suất vay mua nhà 120.000 tỷ đồng và 30.000 tỷ đồng, ông Hiếu đề xuất xem xét mức lãi suất 5%/năm và thời hạn 20 năm. Với mức vay tối đa 80% giá trị căn nhà, người mua sẽ cần phải trả khoảng 10 triệu đồng/tháng, phù hợp với các gia đình cả 2 vợ chồng đều có thu nhập riêng.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết: Hiện nay, lạm phát toàn cầu có xu hướng gia tăng, các ngân hàng sẽ buộc phải tăng lãi suất huy động để duy trì thanh khoản. Điều này có thể khiến lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại, làm giảm hiệu quả của các gói hỗ trợ. Chính vì vậy, việc duy trì lãi suất thấp trong dài hạn sẽ khó khăn hơn.
TS Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế phân tích: "Nếu lạm phát không được kiểm soát tốt, việc tiếp tục giảm lãi suất sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng và có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính".
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không phải là giải pháp toàn diện để giải quyết triệt để vấn đề sở hữu nhà ở. Để thực sự giúp người dân dễ dàng tiếp cận việc sở hữu nhà ở thì cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều biện pháp của các cơ quan chức năng liên quan. Chính phủ cần đẩy mạnh kiểm soát giá nhà, phát triển thêm nguồn cung nhà ở xã hội và đơn giản hóa thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận các gói tín dụng.