Dân Việt

Thái Bình: Huy động nguồn lực đóng góp gần 1.700.000 triệu đồng xây dựng nông thôn mới

Đỗ Lý 23/10/2024 08:54 GMT+7
Quán triệt phương châm ngân sách Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện xây dựng NTM, Thái Bình đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về huy động vốn.

Quán triệt phương châm ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện xây dựng nông thôn mới; công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng, bảo đảm phát huy hiệu quả, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân, Thái Bình đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về huy động vốn.

Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho tỉnh Thái Bình từ năm 2021 đến năm 2024 là 725.104 triệu đồng. Tổng vốn lồng ghép, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 6.425.144 triệu đồng.

Thái Bình: Huy động nguồn lực đóng góp gần 1.700.000 triệu đồng xây dựng nông thôn mới  - Ảnh 1.

Do thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp huy động vốn, các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình được đầu tư đồng bộ.

Ngoài hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương đã bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã và từ các nguồn lực hợp pháp khác khoảng 1.696.100 triệu đồng. Trong đó, tín dụng 400.000 triệu đồng, doanh nghiệp 475.000 triệu đồng, huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng 821.110 triệu đồng để hỗ trợ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng hệ thống đèn điện "Thắp sáng đường quê" và vận động nhân dân tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng (cấp huyện ưu tiên hỗ trợ các xã làm đường giao thông).

Ngoài việc lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác để tập trung nguồn lực, hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (ưu tiên bố trí nguồn vốn và các chính sách cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2024 - 2025), Thái Bình tăng cường huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp (công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; công trình cấp nước sạch, chợ nông thôn, công trình thu gom, xử lý rác thải và một số công trình công ích xã hội khác) từ đó giảm gánh nặng đối với nguồn vốn ngân sách, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng có kết cấu đồng bộ, hiện đại, đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại các địa phương.

Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục vận động, huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, con em xa quê, của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, cộng đồng trong việc quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình sau đầu tư…

CHUYÊN MỤC "THÁI BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI"