Dọc theo bờ sông Tô Lịch, đơn vị thi công đã tháo dỡ nhiều đoạn lan can để tiến hành việc xây dựng cống bao, dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, việc thi công đã bị dừng lại ở nhiều điểm, đặc biệt là phía phố Quan Hoa.
Nhiểu điểm không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào diễn ra, để lại một hiện trường ngổn ngang với sắt thép han rỉ và rác thải, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị.
Tình trạng thi công dang dở đã kéo dài hơn một năm, khiến khu vực này trở thành điểm nóng về vấn đề vệ sinh và an toàn giao thông. Ông Phạm Văn Đô, một người dân sống tại phố Quan Hoa, cho biết: "Tình trạng ngổn ngang, không có lan can diễn ra đã hơn 1 năm nay. Họ dỡ lan can để vận chuyển vật liệu, nhưng sau khi thi công xong cũng chưa hoàn thiện lại. Chúng tôi không biết đến bao giờ họ mới trả lại mặt bằng".
Dưới lòng sông, vật liệu xây dựng như sắt thép vứt ngổn ngang cùng dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Hình ảnh nhếch nhác dọc bờ sông Tô Lịch qua địa bàn phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy). Đơn vị thi công chưa lắp đặt lại lan can hay đưa ra biện pháp cảnh báo, khiến người dân lo lắng mỗi lần đi qua khu vực này.
Chị Nguyễn Đỗ Phương Thảo (Quan Hoa, Cầu Giấy) bức xúc: "Tôi thấy mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, đặc biệt là khi trời mưa. Tình trạng này đã kéo dài rất lâu, nhưng chẳng ai giải quyết. Không có lan can đảm bảo an toàn, nên chúng tôi cũng không dám cho con cái ra đây chơi".
Hơn 20 năm qua, TP Hà Nội thí điểm nhiều giải pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch như: Lấy nước sông Hồng, tạo dòng chảy sông Tô Lịch; Dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; Công nghệ Nhật Bản phân hủy bùn nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đâu vào đâu.
Hiện nay, hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hằng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Do đó, giải pháp khả thi và được lòng các chuyên gia nhất vẫn là xây dựng hệ thống cống để tách nước thải khỏi sông Tô Lịch.
Dự án tách nước thải ra khỏi sông Tô Lịch được TP Hà Nội khởi công từ tháng 10/2016, với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD, đến nay vẫn chưa có hạng mục nào hoàn thành.