Dân Việt

Quảng Ninh: Hội Nông dân huyện Đầm Hà phối hợp tập huấn về chăn nuôi lợn VietGAHP

Thanh Tuyền 15/10/2024 18:25 GMT+7
Với hình thức trao đổi kiến thức, tham quan thực tiễn, lớp tập huấn đã giúp 30 cán bộ, hội viên nông dân huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) nắm được quy trình VietGAHP trong chăn nuôi, từ đó hướng tới đạt được mô hình chăn nuôi lợn VietGAHP.

Trong hai ngày 14 và 15/10, Hội Nông dân huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức tập huấn "Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt VietGAHP, liên kết HTX với chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm OCOP".

img

Hội Nông dân huyện Đầm Hà phối hợp trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tập huấn "Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt VietGAHP, liên kết HTX với chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm OCOP". Ảnh: Hội Nông dân huyện Đầm Hà.

Tham gia tập huấn gồm 30 học viên là cán bộ Hội Nông dân, hội viên nông dân là người trực tiếp chăn nuôi có điều kiện thuận lợi về kinh tế, đất đai và nhân lực để phát triển chăn nuôi lợn thịt VietGAHP.

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp kiến thức về 3 chuyên đề: Thực hành tốt trong chăn nuôi lợn thịt; vai trò của HTX trong tiếp cận, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; xây dựng và đăng ký sản phẩm OCOP.

Theo đó, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân về thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi; về quản lý con giống, thức ăn, vệ sinh môi trường, dịch bệnh, công tác thú y... 

Chăn nuôi lợn thịt VietGAHP nhằm đảm bảo cho vật nuôi đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo phúc lợi động vật, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường; truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Khi thực hiện chăn nuôi lợn VietGAHP, người chăn nuôi sẽ kiểm soát được yếu tố đầu vào; ngăn ngừa, hạn chế rủi ro nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng thịt lợn, sức khỏe, an toàn lao động, phúc lợi xã hội cho người lao động; đảm bảo sản xuất thịt lợn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; đảm bảo tính minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; xây dựng thương hiệu của nhà sản xuất...

img

Cán bộ, hội viên nông dân tham gia tập huấn với hình thức trao đổi kiến thức, tham quan thực tiễn. Ảnh: Hội Nông dân huyện Đầm Hà

Chăn nuôi lợn VietGAHP gồm 14 nội dung: Địa điểm chăn nuôi; bố trí khu chăn nuôi; chuồng nuôi và thiết bị chăn nuôi; giống và quản lý chăn nuôi; vệ sinh chăn nuôi; quản lý thức ăn và nước uống trong chăn nuôi; quản lý dịch bệnh; quản lý dịch bệnh; quản lý chất thải và bảo vệ môi trường; kiểm soát động vật và côn trùng gây hại; quản lý nhân sự; ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc, thu hồi sản phẩm; tự kiểm tra; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Thông qua lớp tập huấn đã giúp các học viên trang bị được kiến thức cơ bản về thực hành tốt trong chăn nuôi lợn để áp dụng vào chăn nuôi trong gia đình mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các học viên cũng sẽ nắm được nguyên tắc, cách thức xây dựng hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; kiến thức cơ bản về chuẩn hóa một sản phẩm OCOP...