Dân Việt

Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng nói gì về kiến nghị đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh?

Nam Cường - Viết Niệm 16/10/2024 10:59 GMT+7
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Thọ - cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, thời điểm này đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh ở TP Đà Nẵng là hợp lý.

"Sau một thời gian dài thì tới nay, việc đặt tên một con đường hay một công trình nào đó mang tên anh Thanh (tức cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh - PV) là hợp lý. Với những gì đã cống hiến cho thành phố, anh Thanh xứng đáng để được đặt tên đường. Tôi ủng hộ việc này, còn đặt tên đường ở đâu thì đó là theo quy hoạch của thành phố" - ông Trần Thọ bày tỏ.

Theo ông Thọ, việc đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh cũng từng được đại biểu đề xuất tại một cuộc họp HĐND nhưng đó là thời điểm chưa hợp lý.

Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: Đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh thời điểm này là hợp lý - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần đi kiểm tra, tiếp xúc với nhân dân quận Hải Châu vào năm 2013 (ảnh: Nam Cường)

Theo tìm hiểu, đó là tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng vào cuối năm 2015. Sau khi nghe trình bày về Đề án đặt, đổi tên đường trong thời gian tới, đại biểu Trần Văn Lĩnh cho rằng, nhất thiết phải có một đường hoặc cầu mang tên Nguyễn Bá Thanh vì những công lao to lớn, những dấu ấn không phai mờ mà cố Bí thư thành ủy đã tạo nên trong thời gian dài ở Đà Nẵng. Ông Lĩnh cho rằng, khi đọc kỹ, không hề thấy tên cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh đặt cho bất kỳ một con đường nào, vì thế ông đề nghị tập thể HĐND ra nghị quyết đặt tên cho một cây cầu bắc qua sông Hàn thành cầu Nguyễn Bá Thanh.

"Tôi đề nghị, hoặc là cầu sông Hàn, hoặc là cầu Thuận Phước nên đổi thành cầu Nguyễn Bá Thanh. Cả hai cây cầu đều có dấu ấn rất lớn của ông Thanh" – ông Lĩnh nói. Tại thời điểm đó, ông Vũ Hùng – Trưởng Ban Văn hóa xã hội cho hay, khi soạn thảo đề án đặt tên đường trong thời gian này thì đúng là 166 tên đường mới, không có tên nhân vật Nguyễn Bá Thanh. Rất nhiều người đã góp ý cho rằng cần phải có tên đường hoặc một công trình mang tên ông Thanh, tuy nhiên lúc này là chưa phù hợp. 

"Vinh danh có nhiều hình thức như đặt tên đường, cầu, công viên, làm tượng… Tuy nhiên, với riêng cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh, chúng ta cần phải có hội thảo chuyên đề, với những báo cáo nghiên cứu đầy đủ hơn. Chúng ta chưa cần phải vội vì ông Thanh cũng mới mất chưa đầy 1 năm" – ông Vũ Hùng nói.

Chủ tịch HĐND lúc đó là ông Trần Thọ cũng đã đề nghị của các đại biểu đề nghị đặt tên đường, cầu Nguyễn Bá Thanh và giao UBND thành phố báo cáo đề xuất trong thời gian tới.

Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: Đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh thời điểm này là hợp lý - Ảnh 2.

Cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh lúc đó là Trưởng Ban nội chính Trung ương và ông Trần Thọ thời điểm làm Chủ tịch HDND thành phố Đà Nẵng (ảnh chụp vào tháng 4/2013 - ảnh: Nam Cường)

Trước đó, ngày 15/10, trao đổi với phóng viên Dân Việt liên quan thông tin cử tri Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện Sở VH&TT đã tiếp thu và ghi nhận việc nghiên cứu đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh.

"Hiện nay, tên cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh đã được Sở VH&TT Đà Nẵng đề xuất Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng", bà Thi cho biết.

Tiêu chí đặt tên đường theo nhân vật lịch sử tại thành phố Đà Nẵng được quy định từ năm 2019. Trong đó quy định, đối với danh nhân đất nước là người: có công trạng, đóng góp lớn cho đất nước; nổi tiếng về tài đức, có đóng góp lớn cho đất nước ở từng lĩnh vực qua các thời kỳ lịch sử dân tộc; có những kỳ tích, hành động đặc biệt vì lợi ích của đất nước, của cộng đồng, trở thành gương sáng để các thế hệ đi sau học tập.

Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: Đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh thời điểm này là hợp lý - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Nụ, Phường Mỹ An, Quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng chia sẻ: "TP. Đà Nẵng hôm nay có công sức của ông ấy rất lớn. Tình cảm mà người dân Đà Nẵng dành cho ông ấy rất lớn, nên tôi nghĩ việc đặt tên đường là hợp lý". (ảnh: Viết Niệm)

Đối với danh nhân địa phương gồm những người có công trạng tiêu biểu đối với địa phương, vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng như: Đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng qua các thời kỳ lịch sử dân tộc, những vị tiền hiền có công khai phá vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng; nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa... có tác phẩm giá trị được công nhận và lưu truyền đến ngày nay; lãnh đạo tiêu biểu của Quảng Nam - Đà Nẵng qua các thời kỳ; Anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động tiêu biểu qua các thời kỳ và những Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu quê quán ở Đà Nẵng và Quảng Nam...

Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: Đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh thời điểm này là hợp lý - Ảnh 4.

Anh Trần Hữu Tiến Đạt, Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cho biết: "Ông Nguyễn Bá Thanh rất xứng đáng đặt tên đường, phố nào đó ở thành phố Đà Nẵng. Theo tôi, ông ấy là tấm gương lớn hiếm có trong các thế hệ từng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng". (ảnh: Viết Niệm)

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết thêm, đối với đề nghị của cử tri về việc đặt tên ông Nguyễn Bá Thanh, trong thời gian tới, căn cứ vào hồ sơ các tuyến đường đề xuất đặt tên cụ thể, phù hợp của UBND các quận, huyện, Sở VH&TT sẽ lấy ý kiến.

"Từ đề xuất, Sở VH&TT Đà Nẵng sẽ lấy ý kiến từ các cơ quan, đoàn thể có liên quan việc đặt tên đường ông Nguyễn Bá Thanh trước khi đề xuất Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường đưa vào Dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường trình HĐND thành phố xem xét quyết định", bà Thi cho biết.

Ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Trong suốt thời gian làm lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ông Thanh đã góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố và có các chính sách an sinh xã hội tồn tại cho đến ngày nay như: chương trình "5 không 3 có".

5 không gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không giết người cướp của; 3 có gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.