Mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo đó, cử tri đề nghị tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện nay.
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Khoản 3 Điều 34, Luật Giáo dục 2019 quy định: "Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT. Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông".
Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết thêm, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét công nhận tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019.
Kỳ thi phục vụ mục đích lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục, đồng thời, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được xã hội quan tâm. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, như: Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội; Nghị quyết 144/NQ-CP, ngày 10/9/2023 của Chính phủ.
Theo phương án thi được ban hành kèm theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
Các thí sinh có đủ kết quả đại diện cho các khối ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ, đồng thời bảo đảm quyền chủ động lựa chọn theo đúng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cử tri tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ GDĐT giao cho Sở GDĐT địa phương được quyết định, lựa chọn bộ sách giáo khoa thống nhất theo cấp học.
Về vấn đề này, trong văn bản trả lời cử tri An Giang, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho hay, Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội quy định thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xã hội hóa, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa, tạo ra những bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt của nhiều nhóm tác giả sách khác nhau; học sinh và giáo viên có cơ hội lựa chọn được các bộ sách phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ GDĐT đã ban hành các Thông tư quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có quy định mỗi cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn một sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt cho mỗi môn học, lớp học phù hợp điều kiện tổ chức dạy học và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
"Như vậy, việc sử dụng bộ sách giáo khoa do cơ sở giáo dục lựa chọn, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, việc mỗi nhà trường tổ chức giảng dạy với các bộ sách giáo khoa khác nhau không ảnh hưởng đến việc phụ huynh tham gia vào quá trình kiểm tra, hướng dẫn con em học tập", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.