Dân Việt

Các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng các vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia để chống phá

Trương Hồng 16/10/2024 13:09 GMT+7
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng các vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Việt Nam, chia rẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Ngày 16/10, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức "Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào" dành cho 10 tỉnh biên giới Việt Nam - Lào.

Tham dự hội nghị có gần 250 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các ban, sở ngành, lực lượng vũ trang của 10 tỉnh có biên giới tiếp giáp với Lào gồm, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị lịch sử dựng nước và giữ nước- Ảnh 1.

Ngày 16/10, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức "Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào" dành cho 10 tỉnh biên giới Việt Nam - Lào

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, cùng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong những năm qua, tình hình biên giới hai nước được duy trì, đảm bảo ổn định.

Lực lượng chức năng của hai nước thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới một cách kịp thời và hiệu quả như, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy chế biên giới, phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy, kích động, lôi kéo và đưa người vượt biên trái phép; bảo vệ tài nguyên môi trường khu vực biên giới; đẩy mạnh hợp tác phát triển cửa khẩu biên giới nhằm phục vụ tốt việc quản lý, kiểm soát qua lại biên giới và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị lịch sử dựng nước và giữ nước- Ảnh 2.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, cùng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

"Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển đứng trước nhiều thách thức.

Trong nước, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ổn định; công tác đối ngoại của đảng, nhà nước, đối ngoại nhân dân tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; uy tín, vị thế của đất nước không ngừng nâng lên.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng các vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Việt Nam, chia rẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành các địa phương khu vực biên giới cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền.

Đổi mới phương thức tham gia xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, có chiều sâu, nhất là trong nắm tình hình địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc. Phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ, đảm bảo công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tuyên truyền giáo dục được chặt chẽ, kịp thời, đa chiều, toàn diện", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nhấn mạnh.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị lịch sử dựng nước và giữ nước- Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị. Ảnh PV

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, hiện nay, công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nổi lên một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết như, khu vực biên giới Việt - Lào có địa hình đồi núi hiểm trở nên giao thông đi lại giữa hai bên rất khó khăn.

Dân cư sống hai bên biên giới đa phần là đồng bào các dân tộc ít người, sống thưa thớt tại các làng, bản rất xa nhau và xa đường biên giới. Đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc còn thiếu thốn, lạc hậu. Hoạt động của người Trung Quốc bên khu vực biên giới Lào tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Từ 2019 đến nay, phát sinh 7 trường hợp, việc này cần vào cuộc của cả hai nước, hai địa phương và các bộ, ngành liên quan...

"Trong thời gian đến, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý biên giới trên đất liền, xây dựng đường biên giới hòa bình - hữu nghị với tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, góp phần cùng với cả nước giữ vững bờ cõi, biên cương mà cha ông các thế hệ đã dày công xây dựng.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân hai huyện biên giới Nam Giang và Tây Giang...", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị lịch sử dựng nước và giữ nước- Ảnh 4.

Trước lúc diễn ra hội nghị, đoàn công tác của Trung ương và các tỉnh thành khu vực viếng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Tam Kỳ, tỉnh Quang Nam

Tham gia trình bày báo cáo chuyên đề tại hội nghị có các báo cáo viên của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hội nghị đã nghe và trao đổi về, công tác biên giới lãnh thổ đóng góp thiết thực trong xây dựng, bảo vệ đất nước trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào; thực tiễn và kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý biên giới quốc gia trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua và phương hướng phát triển thương mại biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.

Hội nghị nhằm tiếp tục tuyên truyền, khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về việc xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Đồng thời, hội nghị cũng góp phần khích lệ tinh thần, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của các lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương biên giới trong công tác bảo vệ, quản lý tuyến biên giới trên đất liền.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị lịch sử dựng nước và giữ nước- Ảnh 5.

Đoàn thăm quan bảo tàng bên trong tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh PV

Sau một buổi làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương khu vực biên giới cần thực hiện tốt 5 nhiệm vụ chính.

Đó là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản liên quan. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Củng cố, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới của Tổ quốc.

Hai là, trên cơ sở yêu cầu của tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh có biên giới cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc, chủ trương, vừa linh hoạt, ứng phó hiệu quả với các tình huống nhạy cảm mới phát sinh. Tích cực, chủ động tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, thực sự trở thành "phên dậu" vững chắc bảo vệ biên giới.

Ba là, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền. Đổi mới phương thức tham gia xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, có chiều sâu, nhất là trong nắm tình hình địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc. Phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ, đảm bảo công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tuyên truyền giáo dục được chặt chẽ, kịp thời, đa chiều, toàn diện.

Bốn là, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ và tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các lực lượng làm công tác tuyên truyền, nhất là lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở như già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân cư khu vực biên giới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân giữa các bản, làng, xã, huyện, tỉnh sát biên của hai nước Việt Nam - Lào.

Cuối cùng là, về phương diện song phương, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đối diện của Lào nâng cao năng lực công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã ký kết, chung tay bảo vệ thành quả phân giới cắm mốc, ủng hộ chủ trương chính sách của hai nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực xấu lợi dụng vấn đề biên giới để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá chế độ ở mỗi nước và quan hệ truyền thống hữu nghị của các nước láng giềng.