Ngày 16/10, 1.052 đại biểu đại diện cho các giai cấp, tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) để tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Cây cầu kết nối ý Đảng, lòng dân
Chia sẻ với Dân Việt, ông Yathi, 75 tuổi, dân tộc Churu, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống người dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ, người dân luôn đoàn kết, theo Đảng.
"Nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, nhiều việc nhân dân chúng tôi mong muốn đóng góp, kiến nghị với Đảng. Các thông tin về đất nước của mình là đồng bào chúng tôi được tiếp cận rất cụ thể, rõ ràng nên chúng tôi rất phấn khởi, cảm ơn Đảng và Nhà nước. Nhân dân chúng tôi nguyện theo Đảng hết lòng, hết mình", ông Yathi nói.
Theo ông Trần Trọng Phúc, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Thái Bình: Hướng tới Đại hội lần thứ X, MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai đại hội các cấp để đánh giá vai trò của MTTQ Việt Nam trong 5 năm qua. Qua đó, đã khẳng định vai trò, vị thế của MTTQ trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng những hình thức giám sát và phản biện xã hội.
UBMTTQ Việt Nam cũng đã có những góp ý, đề xuất cho Đảng, chính quyền điều chỉnh chế độ, chính sách cho phù hợp. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam là "cây cầu" kết nối, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được chú trọng và nhân lên từ các cấp xã, huyện, tỉnh đến Trung ương.
Về nỗ lực xây dựng lòng tin với nhân dân, để mọi chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào lòng dân và nhận được sự đồng thuận và thực hiện, theo ông Phúc, phải kể đến vai trò của MTTQ.
"Thành viên của MTTQ bao gồm các thành viên thuộc những tổ chức chính trị, xã hội và các giai tầng trong các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, MTTQ chính là trung tâm đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Phúc nhận định.
Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, đa phần các đại biểu dự đại hội rất tâm đắc với Chương trình số 6 được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra, đó là phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của người dân để xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh được đánh giá có rất nhiều điều kiện để triển khai chương trình này có hiệu quả. Hiện nay, Hà Tĩnh có trên 73% khu dân cư đã được công nhận là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là tiền đề quan trọng để đảm bảo cho người dân tiếp tục làm chủ, phát huy được tinh thần tự quản, gìn giữ các giá trị văn hóa... từ đó xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và khối đại đoàn kết ở khu dân cư.
Ông Tân nhấn mạnh, đây là một tiền đề rất quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.
Từ thực tiễn ở địa phương mình, ông Tân đề xuất sớm có bộ tiêu chí sát hơn, đặc thù cho từng vùng miền.
"Như ở Hà Tĩnh, ngoài những khung tiêu chí dành cho các khu dân cư đó thì phải có thêm khung tiêu chí để giữ gìn, phát huy được giá trị văn hóa. Tôi mong Trung ương sớm có bộ tiêu chí này để hướng dẫn cho các địa phương triển khai và đồng bộ từ địa bàn", ông Tân bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hoá, MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các giai cấp, các tầng lớp, các cá nhân người Việt Nam trong và ngoài nước.
Với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, trong thời gian qua MTTQ các cấp đã phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở có nhiều cách làm mới, sáng tạo.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên và triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động trong đó trọng tâm là triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Mặt trận cũng chủ trì xây dựng rất nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư như mô hình tự quản về xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn; mô hình tự quản về xây dựng khu dân cư, bảo vệ môi trường; mô hình tự quản về xây dựng khu dân cư, an toàn vệ sinh thực phẩm; khu dân cư tự quản về an ninh trật tự; khu dân cư tự quản về phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ X, MTTQ Việt Nam đã có một chương trình hành động mới, đó là xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no và hạnh phúc.
"Chúng tôi đã và đang xây dựng kế hoạch để triển khai xây dựng mô hình khu dân cư này. Trong đó, MTTQ các cấp sẽ phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì, phát huy được cao nhất nội lực trong nhân dân để cùng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, để đồng bào các dân tộc, tôn giáo đều được đóng góp, tham gia dưới vai trò chủ trì của Mặt trận, đóng góp được công sức của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", bà Phương chia sẻ.