Dân Việt

Lãnh đạo Trường ĐH Thủ Dầu Một nói gì về việc thu sai 37 tỷ đồng nhưng không hoàn trả cho sinh viên?

Nguyệt Minh - Chinh Hoàng 17/10/2024 10:57 GMT+7
Theo Kết luận kiểm toán năm 2022, Trường ĐH Thủ Dầu Một thu học phí chưa phù hợp quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Số tiền thu sai 37 tỷ đồng.

Lý do Trường ĐH Thủ Dầu Một thu học phí tín chỉ thực hành gấp 1,5 lần tín chỉ lý thuyết

Những ngày gần đây, việc Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) thu học phí chưa phù hợp quy định 37 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói, thay vì lựa chọn trả số tiền thu chưa phù hợp cho sinh viên, trường lại nộp vào ngân sách nhà nước. 

Trường ĐH Thủ Dầu Một lý giải nguyên nhân thu học phí tín chỉ thực hành 37 tỷ đồng - Ảnh 1.

Trường ĐH Thủ Dầu Một. Ảnh: Chinh Hoàng

Trước dư luận cho rằng nhà trường cần hoàn trả cho sinh viên khoản tiền thu sai thay vì nộp ngân sách, chiều ngày 16/10, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện lãnh đạo Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, Trường ĐH Thủ Dầu Một khẳng định, trường đã nghiêm chỉnh và kịp thời chấp hành theo kết luận của Kiểm toán nhà nước về vấn đề thu học phí năm học 2020- 2021 và 2021 -2022.

Trong thời gian này, Trường ĐH Thủ Dầu Một chưa tự chủ tài chính, trường thu học phí theo quy định khung học phí do Nhà nước ban hành. Đại diện nhà trường nhấn mạnh, trường không thu sai, lạm thu học phí của sinh viên. Trường thực hiện nhân hệ số đối với tín chỉ thực hành theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. 

Việc nghị định quy định chung một mức học phí, trong khi chương trình đào tạo của nhà trường có tín chỉ lý thuyết và tín chỉ thực hành, dẫn đến sự chênh lệch trong thu học phí giữa 2 loại tín chỉ.  

Cụ thể, đại diện Trường ĐH Thủ Dầu Một giải thích, theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo (Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GDĐT), một tín chỉ lý thuyết tương đương 15 giờ dạy, trong khi một tín chỉ thực hành tương đương 30 giờ dạy. Bên cạnh đó, quy mô lớp thực hành từ 20 – 25 sinh viên/lớp, trong khi quy mô chuẩn theo Thông tư của Bộ GDĐT là 40 sinh viên/lớp. 

Như vậy, chi phí giảng dạy thực hành cao hơn dạy lý thuyết nên trường nhân hệ số để đảm bảo chi phí đào tạo. Có thể cách hiểu và thu học phí của nhà trường theo Nghị định 86 là chưa chính xác.

Chốt lại, theo nhà trường, nguyên nhân là có sự khác nhau trong cách hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật vào việc xác định học phí đối với các tín chỉ. Sau khi tính toán theo thực tế chương trình đào tạo, Ban giám hiệu Nhà trường trình Hội đồng Trường để ra quyết định mức học phí tín chỉ thực hành bằng 1,5 lần so với tín chỉ lý thuyết. Với cách xác định học phí này, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nhà trường hoàn trả cho sinh viên (trường hợp không hoàn trả được thì nộp ngân sách).

Vì sao Trường ĐH Thủ Dầu Một không chọn phương án hoàn trả tiền cho sinh viên?

Về việc nhà trường chọn phương án nộp ngân sách nhà nước, nói với PV Dân Việt, phía nhà trường cho biết, với cách xác định học phí này chỉ ảnh hưởng tới học phí học phần thực hành, thêm vào đó số lượng các tín chỉ thực hành của mỗi sinh viên là khác nhau theo lựa chọn đăng ký môn học từ cá nhân sinh viên và nhà trường cần rà soát lại từng trường hợp. 

Sau khi có kết luận của kiểm toán, nhà trường chỉ có gần 3 tháng để chấp hành kết luận kiểm toán và kịp thời thực hiện các kết luận kiểm toán, vì vậy nhà trường không đủ thời gian rà soát và hoàn trả lại tiền cho từng sinh viên. 

"Đồng thời lúc đó, qua rà soát sơ bộ, phần lớn sinh viên đã ra trường và mỗi sinh viên đăng ký khối lượng tín chỉ lý thuyết và thực hành khác nhau nên việc rà soát và hoàn trả cho từng sinh viên trong thời gian ngắn là điều rất khó khăn", đại diện Trường ĐH Thủ Dầu Một nói.

Đại diện Trường ĐH Thủ Dầu Một thông tin thêm, đang chờ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để thực hiện hài hòa, đúng quy định, đúng kết luận kiểm toán, đảm bảo quyền lợi của sinh viên.

Theo tính toán của nhà trường, nếu thực hiện phương án trả tiền cho sinh viên, sẽ mất một năm để có thể hoàn thành. Bên cạnh đó, nhà trường có thể gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều khả năng sinh viên không còn dùng tài khoản ngân hàng đã dùng trong nhà trường để đóng học phí.

Mặc dù thông tin của sinh viên vẫn còn, song về phương thức liên hệ, có thể gặp trục trặc nếu sinh viên không còn dùng email hay số điện thoại đã đăng ký khi đi học với nhà trường.