Tây Du Ký là tác phẩm kinh điển của nền văn học Trung Quốc. Dù bao năm trôi qua, những tình tiết thú vị trong bộ phim vẫn hấp dẫn người đọc theo một cách rất riêng. Một trong những điều làm nên giá trị của tác phẩm này chính là ý nghĩa đằng sau mỗi lời thoại của nhân vật.
Trong chương 2 của Tây Du Ký, khi Tôn Ngộ Không gặp được Bồ Đề Tổ Sư và bái ông làm thầy, hắn đã tỏ thái độ nản lòng khi sư phụ nói đến những khó khăn trong việc tu luyện Cân Đẩu Vân. "Theo lời thầy nói, thì phép đằng vân khó lắm", hắn than thở.
Đáp lại, Bồ Đề Tổ Sư nói: "Trên đời không có việc gì khó, chỉ khó ở lòng người không chịu quyết tâm". Chỉ với một câu nói này mà Bồ Đề Tổ Sư đã khiến cho Ngộ Không răm rắp nghe lời luyện tập, không còn than thở nữa. Ý nghĩa của nó sâu xa đến chừng nào?
Bồ Đề Tổ Sư không chỉ đơn thuần muốn khích lệ Tôn Ngộ Không tập luyện mà ngài còn cài cắm trong đó ý nghĩa sâu sắc hơn, đó là muốn làm nên việc gì thì trước tiên tinh thần phải sẵn sàng và quyết tâm trước thì mới có thể thúc đẩy từ nội tại thành hành động. Dĩ nhiên khó khăn trong cuộc đời của mỗi người là điều không thể tránh khỏi nhưng thay vì nản lòng, hãy coi nó là cơ hội trưởng thành, mạnh mẽ hơn để từ đó tìm đường hóa giải.
Câu nói này đến tận ngày nay vẫn có giá trị tinh thần vô cùng to lớn. Nó khích lệ con người luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu trong cuộc sống của mình. Có một câu nói truyền động lực rất hay: "Đường đi dễ dàng là đang xuống dốc, khó khăn là bởi vì bạn đang lên dốc". Thành công chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, có vượt qua được thử thách mới có thể nếm được trái ngọt của cuộc đời.