Dân Việt

Góc nhìn pháp lý vụ thanh niên dùng dao khống chế nữ chủ nhà đang tắm để cướp tài sản

Phi Long 19/10/2024 15:14 GMT+7
Trong khi đang tắm, chị H.T.H. (Kon Tum) bị một đối tượng dùng dao khống chế, đe dọa sẽ đâm chết nếu không đưa tiền. Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.

Sự việc xảy ra vào khoảng 16h20 chiều 16/10, khi chị H.T.H. 26 tuổi, trú tại xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đang tắm trong phòng thì nghe tiếng gõ cửa. Tưởng chồng đi làm về, chị H. mở cửa ngó ra thì bị đối tượng dùng dao khống chế, đe dọa sẽ đâm chết nếu chị không đưa tiền.

img

Đối tượng A.T. tại cơ quan công an. Ảnh: Công an TP Kon Tum

Do quá sợ hãi vì bị đe dọa đến tính mạng, chị H. đã dẫn đối tượng lên phòng ngủ và đưa cho con heo đất. Ngay sau khi lấy được tài sản, đối tượng đã rời khỏi hiện trường.

Nhận tin báo, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Kon Tum đã phối hợp với Công an xã Ia Chim nhanh chóng triển khai lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xác minh và truy bắt đối tượng.

Đến 20h cùng ngày, lực lượng chức năng xác định A.T. (17 tuổi, trú tại thôn PleiSar, xã Ia Chim, TP Kon Tum) là đối tượng gây ra vụ cướp nói trên nên tiến hành bắt giữ khẩn cấp.

Tại cơ quan công an, A.T. đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Lực lượng chức năng đã thu giữ hung khí gây án và toàn bộ tài sản do A.T. cướp được. Qua xác minh được biết A.T. đã bỏ học từ sớm và có 1 tiền sự.

Cơ quan CSĐT Công an TP Kon Tum đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với A.T. để điều tra, xử lý theo quy định.

Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích, dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.

Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 được quy định như sau:

Khung 1: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

Làm chết người;

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đồng thời, theo tinh thần hướng dẫn tại điểm 2.2 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Phương tiện nguy hiểm": Là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công. a. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... c. Về vật có sẵn trong tự nhiên Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt..."  Do đó, dao mà đối tượng sử dụng là phương tiện nguy hiểm thuộc tình tiết định khung tăng nặng khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự.

Như vậy, tùy thuộc vào số tiền bị chiếm đoạt mà đối tượng dùng dao cướp tài sản có thể bị truy cứu TNHS về Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù, cao nhất có thể lên tới tù chung thân.