Dân Việt

Vụ con gái vờ bị bắt cóc tống tiền cha ruột, người vi phạm có thể đối diện với những tội danh nào?

Quang Trung 19/10/2024 12:36 GMT+7
Theo luật sư, trường hợp các đối tượng gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể sẽ bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

Dàn dựng bị bắt, đánh đập để tống tiền cha ruột 5 tỷ đồng

Ngày 18/10, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt tạm giam 3 bị can Ngô Thị Bích Trâm (33 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh), Trần Minh Trung (27 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) và Nguyễn Văn Nha (32 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, trước đây 3 đối tượng từng dàn dựng một vụ bắt cóc giả mà Trâm là nạn nhân. Nhóm này uy hiếp, chiếm đoạt của ông H. (cha của Trâm) gần 500 triệu đồng với lý do đưa tiền để chuộc con gái.

Mới đây, để có tiền ăn chơi, Trâm và đồng bọn lại dàn dựng tiếp vụ bắt cóc giả. Chúng dựng màn kịch mà Trâm là nạn nhân bị bắt cóc, yêu cầu ông H. phải nộp 5 tỷ đồng để chuộc con gái về. Trâm ngụy tạo thông tin bản thân bị tra tấn, đánh đập để uy hiếp, gây sức ép với cha ruột.

Vụ con gái vờ bị bắt cóc tống tiền cha ruột, người vi phạm có thể đối diện với những tội danh nào?- Ảnh 1.

Ngô Thị Bích Trâm (giữa) cùng hai đồng phạm lúc bị bắt giữ. Ảnh: CACC.

Nhận tin, ông H. hoảng sợ báo công an. Lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, xác định đây chỉ là một vụ bắt cóc giả. Nhóm của Trâm bị bắt ngay sau đó.

Căn cứ để xử lý hình sự Tội cưỡng đoạt tài sản

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Bộ luật hình sự có nhiều tội danh để xử lý đối với tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản, mỗi một hành vi khách quan khác nhau, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản khác nhau có thể cấu thành một tội danh khác nhau.

Thông thường, hành vi bắt, giữ, giam người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự về Tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự.

Trường hợp bắt giữ người này để chiếm đoạt tài sản của người khác hay nói cách khác là bắt người để đòi tiền chuộc, đối tượng thực hiện hành vi này có thể sẽ bị xử lý hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự.

Trường hợp hành vi là gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác bằng cách đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác khiến nạn nhân sợ hãi để trao tài sản, đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản, đối tượng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 170 Bộ luật hình sự.

Theo ông Cường, trong vụ việc này, các đối tượng dàn dựng nên câu chuyện bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, nếu câu chuyện này là có thật, các đối tượng bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 169 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 20 năm tù.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, sự việc là không có thật, phương thức thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, hậu quả khiến cho nạn nhân sợ hãi nên hành vi các đối tượng có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội cưỡng đoạt tài sản.

Luật sư Cường cho biết thêm, trong sự việc này, thủ đoạn của các đối tượng vừa gian dối, vừa đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân khiến cho nạn nhân phải chuyển giao tài sản. Nếu các đối tượng mạo danh người khác để đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân, đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn nếu các đối tượng không mạo danh mà chỉ đưa ra thông tin gian dối để đe dọa thì có thể xử lý về Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự.

"Con gái của nạn nhân cũng tham gia cấu kết với các đối tượng để thực hiện hành vi phạm tôi nên cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức. Nếu bị chứng minh có tội và bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản các đối tượng trong vụ án sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc", ông Cường thông tin.