Những ngày nay, tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, câu chuyện tặng quà cho giáo viên nhân ngày 20/10 đang được quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên tặng quà, vì đây có thể trở thành cơ hội để những giáo viên tâm không sáng vòi vĩnh. Nhưng bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại cảm thấy đây là một hành động đẹp, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo.
Anh Đinh Hoàng Nam - (quận 3, TP.HCM) hiện có con đang học lớp 4, chia sẻ: “Tặng quà cho giáo viên là việc mang tính tự nguyện, tôi nghĩ không nên tặng quà chung, mà hãy tặng quà riêng. Vì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để đi lễ thầy cô thường xuyên. Cá nhân tôi cho rằng nên tặng quà cho các thầy cô, nó thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo”.
Cùng quan điểm với anh Nam, chị Nguyễn Ngọc Thảo (quận 12) bày tỏ: “Con tôi rất hào hứng được tặng quà cho cô nhân dịp 20/10 dù nó chỉ là một bông hoa. Tôi luôn dạy con phải biết ơn với thầy cô và con đang dần hiểu điều đó. Với vị trí là một phụ huynh như tôi, tôi cũng mong muốn thông qua món quà nhỏ để cảm ơn giáo viên đã luôn tận tâm với con trẻ”.
Chị Thảo cho rằng, việc tặng quà cho giáo viên sẽ là hành động đẹp, nếu đó chỉ là những món quà không mang nặng giá trị vật chất. Theo chị, câu chuyện tặng quà cho giáo viên trở nên xấu xí khi một số phụ huynh muốn lợi dụng chuyện đó để con cái được ưu tiên hơn, hoặc một số giáo viên lợi dụng việc này để vòi vĩnh phụ huynh.
Một phụ huynh giấu tên cho rằng, còn rất nhiều hình ảnh đẹp thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo. Những dịp lễ tết nên là ngày vui vẻ giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên. "Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ việc tặng quà là hối lộ, cơ bản vì nhà mình điều kiện như thế nào thì mình tặng thầy cô phù hợp với hoàn cảnh gia đình" - phụ huynh này nói.
Từ việc tặng quà cho giáo viên nhân các dịp lễ, tại các diễn đàn, có không ít phụ huynh cũng cho rằng nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh đang hoạt động không hợp lý khi yêu cầu tất cả các phụ huynh phải đóng tiền quà. Thậm chí có ý kiến cho rằng, nên dừng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Nói về vấn đề này, anh Đặng Văn Thương (quận 8) cho rằng bất cứ tổ chức, tập thể nào cũng cần nguồn quỹ để hoạt động, vận hành. Quan trọng nhất là vấn đề minh bạch, có kế hoạch lộ trình rõ ràng. Không thể có việc sai ở một vài chỗ mà kiểu không quản lý được thì cấm toàn bộ.
Thực trạng tùy địa phương, khu vực khác nhau sẽ có những nhu cầu, khả năng đáp ứng khác nhau. Không đánh đồng toàn bộ. Việc này bắt buộc có sự quản lý từ Nhà nước bằng những quy định cụ thể.
Cũng theo anh Thương, Ban đại diện cha mẹ học sinh chắc chắn cần, nhưng để hoạt động hiệu quả hay không thì còn do năng lực, sự lựa chọn, phối hợp giữa nhà trường và gia đình.
Anh Thương cho rằng, việc thu chi bắt buộc cần có sự minh bạch được đồng thuận cao trong tập thể, điều này không có nghĩa là 100%. Riêng việc tặng quà thì không thể bắt 100% phụ huynh đồng ý, vì mỗi người có quan điểm khác nhau.
Anh Thương nhấn mạnh: “Không nên dùng quỹ lớp để tặng quà cho thầy cô vì nó khá nhạy cảm. Hơn nữa, nếu làm vậy còn gây áp lực hơn cho thầy cô với tình hình hiện tại. Quỹ chỉ nên gói gọn trong việc chi cho hoạt động của lớp, của trường và nó gắn liền trực tiếp với việc dạy học, rèn luyện sức khỏe, vui chơi... của con trẻ. Bắt buộc có kế hoạch rõ ràng từ đầu cũng như báo cáo cuối khi kết thúc”.
Cũng giống như anh Thương, anh Đinh Hoàng Nam cho rằng, hội phụ huynh nên có chứ không nên bỏ, nhưng phải thực sự có hiệu quả, mang lại lợi ích cho việc học của các cháu và hài hòa với mức thu nhập của phụ huynh.