Sau gần 15 tiếng, từ 8 giờ 30 phút sáng đến hơn 23 giờ ngày 19/10, phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội mới kết thúc, 27 thửa đất tìm được chủ sở hữu. Phiên đấu giá thu hút 212 người tham gia, mỗi người nộp một vài hồ sơ, ước tính có khoảng trên dưới 1.000 bộ hồ sơ đấu giá các thửa đất khác nhau.
Giá trúng đấu giá đất quận Hà Đông cao gấp nhiều lần so với khởi điểm, trường hợp cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2, chênh gấp 8 lần.
Hay tại 1 lô khác, anh H. một nhà đầu tư rời phòng đấu giá sau 9 vòng đấu chia sẻ, đã trả giá 1 lô đất giá 156 triệu nhưng không trúng nên anh bỏ cuộc. Anh cho biết, ngoài thị trường nhiều lô đất có vị trí, diện tích tương tự chỉ rao bán giá 140 triệu đồng mà vẫn ế nên thấy giá này quá cao, quá ảo.
Ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property) chia sẻ: Bản thân doanh nghiệp làm dự án nhưng cũng thấy rất hoang mang khi đất đấu giá có dấu hiệu bất thường, bị bơm thổi không đúng với giá trị thật.
Từ một khu đất không ai ngó tới nhiều nhưng sau phiên đấu giá bỗng tăng gấp nhiều lần mặt bằng chung sẽ khiến sản phẩm bất động sản bài bản của doanh nghiệp không bán được như giá trúng. Nhà nước khi thu hồi đất cũng có thể gặp khó khăn do người dân phản ứng vì chênh lệch quá lớn khi nhìn vào đất đấu giá.
Ông Toản nói
Ông Toản nhắc lại phiên đấu giá mang tính "lịch sử" lại Thanh Oai khi có tới 55/68 lô đất bỏ cọc đã cho thấy 80% người trúng thuộc nhóm đầu tư, đầu cơ, không có nhu cầu sử dụng thực. Theo ông, phiên đấu giá đất quận Hà Đông có thể cũng không ngoại lệ khi phiên đấu giá vẫn đang diễn ra nhưng "mồi cò, đầu cơ" đã rao bán công khai chênh tới 600 triệu đồng ngay ngoài sảnh chờ.
Một số chủ doanh nghiệp bất động sản khác có trụ sở tại quận Hà Đông không khỏi lắc đầu ngao ngán vì mức độ "ngáo" giá của phiên đấu giá đất quận Hà Đông cũng như một số phiên đấu giá đất gần đây: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì... Thậm chí, có ý kiến nghi vấn rằng, có "bàn tay" nào đó đang lợi dụng đấu giá đất ở một số địa phương ngoại thành Hà Nội để cố tình đẩy giá đất lên mặt bằng mới hòng trục lợi.
Mức trúng đấu giá cao nhất phía trên còn cao hơn nhiều cao hơn giá rao bán đất nhiều khu vực tại quận Ba Đình, Hai Bà Trưng… Theo khảo sát của Dân Việt, có những căn nhà tại Hai Bà Trưng đang được rao bán khoảng 130 - 142 triệu đồng/m2. Giá rao bán này thậm trí đang đi ngang với mức giá thấp ở khu đấu giá đất quận Hà Đông ngày 19/10.
Hay tại một số khu vực ở quận Ba Đình, hiện đang rao bán khoảng hơn 155 triệu đồng/m2, chênh lệch không nhiều so với giá trúng đấu giá ở 27 lô đất phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội tại quận Hà Đông.
Còn nếu chỉ so với bảng giá đất cũ còn hiệu lực tới 31/12/2025 thì thậm trí giá trúng đấu giá tại đây còn "vượt mặt" các quận Ba Đình (132,6 triệu đồng/m2), Hai Bà Trưng (106,7 triệu đồng/m2), Đống Đa (92,8 triệu đồng/m2), Tây Hồ (78,8 triệu đồng/m2), Hoàn Kiếm (160 triệu đồng/m2).
Tuy nhiên, giá rao bán ở thời điểm hiện tại không còn bám sát mặt bằng giá nữa mà đã được "thổi" lên tới chục lần sau những phiên đấu giá đất vùng ven ngoại thành.
Hiện tại, sau phiên đấu giá đất, giá rao bán tại quận Hà Đông hiện đang dao động từ 50 triệu đồng cho đến hơn 170 triệu đồng/m2 tùy từng khu vực. Riêng khu vực phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội đang có giá rao bán trung bình khoảng từ 70 - 130 triệu đồng/m2. Theo đó, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua cao gấp 1- 2 lần so với mặt bằng giá phổ biến.
Trước đó, Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường tuy nhiên đề xuất này chưa được thực hiện và nhóm "cò đất" vẫn đang tiếp tục "lộng hành".
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI cho rằng, nếu vẫn còn tình trạng bỏ cọc tràn lan thì một số cá nhân, nhóm người trả giá rất cao nhưng bỏ cọc xem đây giống như một "trò đùa".
Việc đẩy giá trúng lên cao nhưng không nộp tiền là "chiêu bài" không mới. Theo ông Đức, việc thổi giá có thể tạo mặt bằng giá ảo xung quanh. Bởi môi giới sẽ lấy giá trúng làm "điểm neo" cho nhiều phân khúc nhà ở khu vực lân cận, dù giao dịch thực tế chưa hồi phục. Trong bối cảnh thị trường "hỗn loạn về giá", nhà đầu tư có thể trục lợi bằng việc lướt cọc hoặc đẩy hàng tồn có thanh khoản kém.
Cùng quan điểm, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận tình trạng bỏ cọc hàng loạt sau khi đẩy giá lên cao là "rất phản cảm". Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia đấu giá chân chính.
Tuy nhiên, nói riêng về phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông, vị chuyên gia này nói phải chờ tới khi kết thúc ngày hoàn thành nghĩa vụ đóng cọc thì mới có thể xác định chính xác tâm lý nhóm đầu cơ này liệu có đang thay đổi chiến lược không và lập tức yêu cầu cơ quan chức năng ra chỉ đạo "nóng".
Ông đề xuất, cần phải ra nhanh quyết định yêu cầu chỉ được sang tay khi hoàn thành xong nghĩa vụ đóng cọc và chỉ được chuyển nhượng sau 15 ngày.