Tiến sĩ Vũ Phi Hổ là vị tiến sĩ đầu tiên của vùng Đông Bắc Bộ và đã làm tới chức Phó đô Ngự sử thời Lê trung hưng.
Tiến sĩ Vũ Phi Hổ người được lưu danh tại bia đá số 11, trong số 82 tấm bia đá lớn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Văn bia chép, Vũ Phi Hổ, người làng Dư Xá, huyện Hoành Bồ, phủ Hải Đông. Năm 1511, khoa thi Tân Mùi thời vua Lê Tương Dực, đỗ tiến sĩ tam giáp đồng nguyên. Tiến sĩ Vũ Phi Hổ làm quan thời Lê trung hưng, chức Phó đô Ngự sử.
Tiến sĩ Vũ Phi Hổ làm quan thời nhà Lê nhưng khoảng 300 năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi lập triều đình nhà Nguyễn (năm 1802) lại tôn vinh ông. Nội dung sắc phong triều Nguyễn: Nay thống nhất đất nước, lễ có nâng bậc, đáng gia tặng mỹ tự nhất tự: "Anh nghị Đại vương", được tạm dịch là "người có công với dân với nước".
Đền thờ Phó đô Ngự sử Anh nghị Đại vương, Tiến sĩ Vũ Phi Hổ tại xã Lê Lợi, TP Hạ Long (Quảng Ninh) được khởi dựng từ thời Lê.
Ngôi đền còn có tên gọi khác là đền Quan Trạng hay còn gọi đền thờ Vũ Phi Hổ. Cách đây trên 500 năm nơi làng Dư Xá, Hoành Bồ xưa có hai mẹ con nghèo tha phương tới vùng đất này sinh sống. Là dân ngụ cư nên cuộc sống của hai mẹ con vô cùng khó khăn, vất vả. Song, người con rất chăm chỉ, hiếu lễ với mẹ, rất ham học và học rất giỏi.
Với tư chất thông minh hơn người, khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 năm 1511, thời vua Lê Tương Dực, trong số 35 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân có ông Vũ Phi Hổ. Đỗ đạt vinh danh bảng vàng, nhưng ông không quên nơi quê nghèo đã một thời nuôi dưỡng ông trưởng thành và đỗ đạt.
Thời Lê trung hưng, ông được triều đình giao chức Phó đô Ngự sử và là một vị quan thanh liêm, chính trực, được triều đình đương thời và triều sau tôn vinh.
Trong quãng đời làm quan của mình, Vũ Phi Hổ có nhiều công lao trong việc giúp triều đình cải tổ bộ máy, chấn hưng nền văn học của đất nước. Ông còn có công rất lớn trong việc giúp nhân dân phát triển nghề trồng trọt và chăn nuôi ven biển.
Sau khi về nghỉ hưu, Vũ Phi Hổ còn dạy nhân dân trong làng nghề đan lưới, đánh cá. Chẳng thế mà vùng quê của ông phát triển hơn các làng quê khác. Đời sống nhân dân trong vùng ngày thêm no đủ vì được mùa liên tiếp.
Khi ông mất, để ghi nhớ, cảm phục tài năng, đạo đức, công lao của ông, dân làng Dư Xá đã lập đền thờ và tôn ông làm thành hoàng nơi này. Triều đình phong ông là Thượng đẳng phúc thần.
Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền đã bị hư hỏng toàn bộ. Nhân dân trong vùng đã xây một gian thờ nhỏ trên nền móng di tích cũ của ngôi đền để duy trì chân hương thờ cúng vào những dịp lễ, tết, ngày rằm, mùng Một.
Những năm trước Cách mạng Tháng 8, rồi kháng chiến chống Pháp, ngôi đền thờ Vũ Phi Hổ chính là "địa chỉ đỏ" liên lạc, hội họp của cán bộ, nơi đưa tiễn thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc.
Năm 2015, nhân dân và con cháu dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh đã góp công xây dựng lại ngôi đền thờ Phó đô Ngự sử, Tiến sĩ Vũ Phi Hổ ngay trên nền ngôi đền thờ nhỏ, cũ. Công trình được xây dựng với các hạng mục như: Nhà thờ chính, nhà tả vu, hữu vu, hai lầu bia, hồ bán nguyệt, nghi môn nội, nghi môn ngoại, cổng tam quan, khuôn viên tiểu cảnh. Ngôi đền thờ khang trang và là điểm đến chiêm bái của nhiều du khách trong và ngoài địa phương.
Vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm là ngày giỗ của Tiến sĩ Vũ Phi Hổ, chính quyền và nhân dân thường tổ chức các nghi thức tế lễ và các hoạt động văn hóa. Đây không chỉ là một công trình tín ngưỡng văn hóa, mà còn là nơi thể hiện lòng biết ơn của nhân dân địa phương với các thế hệ tiền nhân có công với quê hương đất nước, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước, cổ vũ tinh thần hiếu học vượt khó vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tháng 1/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với đền thờ Phó đô Ngự sử, Anh nghị Đại vương, Tiến sĩ Vũ Phi Hổ, tại xã Lê Lợi, TP Hạ Long. Đây là hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ và các cấp chính quyền đối với việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
Những năm gần đây, vào mùa thi, thầy, trò ở các ngôi trường gần, xa thường đến cửa đền dâng hương, thỉnh mong thi cử hanh thông. Nhiều trường học cũng chọn đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục lịch sử, truyền thống hiếu học cho học sinh.
Cô giáo Bùi Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Hạ Long cho hay: "Hằng năm, trong những tiết học lịch sử địa phương, nhà trường thường tổ chức cho các em học sinh đi trải nghiệm thực tế tại đền thờ Tiến sĩ Vũ Phi Hổ để các em hiểu biết về nhân vật có thật trong lịch sử - một người con của quê hương - để các em cố gắng học tập, thêm yêu đất nước, yêu dân tộc hơn. Cô trò cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên của đền vào những ngày, sự kiện quan trọng của đất nước".
Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh thì chọn cửa đền để tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi và trao quỹ khuyến học, khuyến tài cho con cháu mình.
Ông Vũ Văn Sở, con cháu dòng họ Vũ cho biết, những ngày rằm, lễ, tết cả gia đình thường đến đền thắp hương và chiêm bái. Con cháu của dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh đều hết sức tự hào khi có một vị thủy tổ đóng góp nhiều công trạng cho đất nước. "Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu phải nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, hăng say lao động, có trách nhiệm xây dựng dòng họ, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển", ông Sở nói.
Ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh chia sẻ: "Noi gương theo cụ Vũ Phi Hổ, nhiều năm qua các con cháu dòng họ từ khắp nơi trên đất nước đã đóng góp công sức, chi phí để tôn tạo ngôi đền thờ cụ, cũng là để giáo dục cho con cháu tinh thần tự học và lao động, biết yêu kính các bậc tiền nhân.
Nhờ vậy, công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ đạt được nhiều thành tích cao. Chúng tôi tổ chức khen thưởng con cháu đạt thành tích học tập tốt tại đền thờ để khích lệ, động viên, mở rộng phong trào thi đua học tập, lập thân, lập nghiệp, góp phần cùng cả tỉnh xây dựng một xã hội học tập có chất lượng, hưởng ứng phong trào học tập suốt đời".
Ông Đặng Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi bày tỏ: "Đền thờ Tiến sĩ Vũ Phi Hổ là một di tích rất ý nghĩa, bởi nơi đây đang thờ một vị quan có tầm ảnh hưởng lớn với chính sự nước ta thời trước. Tới đây, xã sẽ phối hợp với dòng họ và các ban, ngành đệ trình lên tỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Chúng tôi cũng đã phối hợp đặt 2 mã quét QR tại điểm di tích này để mọi du khách khi đến chiêm bái hiểu biết hơn và thêm yêu lịch sử vùng đất này".