Nếu Quế Ngọc Hải 31 tuổi, tức chỉ hơn Công Phượng 2 tuổi đã có ít nhất ba bản hợp đồng chuyển nhượng và nhiều khoản lót tay cả chục tỷ đồng thì với Công Phượng ở tuổi 29, anh chỉ mới có bản hợp đồng chính thức của một cầu thủ "trẻ" vừa mãn hạn đào tạo và phục vụ cho CLB đào tạo mình.
Đừng trách Công Phượng ham tiền bởi nếu so sánh với những cầu thủ thuộc hàng "đàn em" Công Phượng như Nguyễn Quang Hải (27 tuổi), Hồ Tấn Tài (26 tuổi), Đoàn Văn Hậu (25 tuổi)... thì những cầu thủ này đã có 1-3 bản hợp đồng đắt giá sau tuổi phải phục vụ cho CLB (25 tuổi). Nhưng riêng với Công Phượng lẫn các đồng đội ở lò đào tạo tại Hàm Rồng, tuổi được tự do thương thảo và tự tìm hợp đồng cho mình là sau 28 tuổi (quy định riêng này, chính phụ huynh thay mặt con em mình ký hợp đồng đào tạo).
Theo quy định của FIFA, cầu thủ có thể tự mình định đoạt sự nghiệp khi trên 23 tuổi nhưng ở Việt Nam, quy định ấy được kéo thêm đến năm 25 tuổi. Riêng với HAGL JMG, hợp đồng phục vụ sau quá trình được đào tạo nâng lên đến 28 tuổi. Những trường hợp đi Nhật, qua Hàn Quốc hay sang Thái Lan của lứa Công Phượng thực chất không phải là hợp đồng tự do của cầu thủ mà là hợp đồng với đơn vị chủ quản "được phép" quản lý cầu thủ mình đào tạo đến tuổi 28.
Thế nên với Công Phượng, việc anh chọn CLB hạng Nhất Trường Tươi Bình Phước đầu quân đá giải hạng Nhất chính là hợp đồng cá nhân đầu tiên lại là hợp đồng ở tuổi... 29 - lứa tuổi mà cầu thủ bắt đầu ở bên kia sườn dốc.
So với những Quế Ngọc Hải, Quang Hải hay Hồ Tấn Tài... thì cơ hội kiếm một bản hợp đồng ở tuổi "tự do" và nhận đủ lót tay lẫn thương thảo cho riêng mình với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp thì Công Phượng bây giờ mới bắt đầu.
Thế nên cũng đừng trách Công Phượng ham tiền khi nhiều cầu thủ nhỏ tuổi hơn anh đã có riêng cho mình 2-3 bản hợp đồng chuyển nhượng và lót tay, còn với Phượng, mọi thứ mới chỉ bắt đầu.