Sáng 22/10, trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết, nằm ngay dưới chân núi lở ở trung tâm huyện Sơn Tây, thuộc xã Sơn Mùa là 3 trụ sở cơ quan, gồm Phòng Tài chính, Liên đoàn Lao động, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và 1 khu tập thể, với tất cả 43 cán bộ, nhân viên.
Trong đó hiện làm việc tại Phòng Tài chính là 4 người; Liên đoàn Lao động có 2 người, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp 9 người và khu tập thể 28 người.
Người đứng đầu chính quyền huyện Sơn Tây thừa nhận, trước đó đã từng xảy ra sạt lở núi và vùi lấp 1 phần tường, sân của số cơ quan trên. Hiện nguy cơ (sạt lở núi) này, vẫn đang rất lớn.
Vì vậy để đảm bảo an toàn cho số cán bộ, nhân viên và người dân khi đến làm việc tại các cơ quan nêu trên, đặc biệt là khi trời có mưa lớn, phương án tạm thời và trước mắt, là yêu cầu đóng cửa toàn bộ và chuyển sang nơi làm việc tạm ở nơi khác.
Nói về giải pháp khắc phục, "xoá" hiểm hoạ núi lở vùi lấp đối với số cơ quan nêu trên, Giám đốc BQL dự án đầu tư huyện Sơn Tây Trần Minh Tuấn giải thích, với thực tế hiện nay của khu vực núi này, nếu thực hiện giải pháp làm tường, rào chắn….thì cần số kinh phí rất lớn, nhưng cũng không thể đảm bảo chắc chắn được.
Vì vậy trong thời gian đến, BQL dự án sẽ tính toán kĩ, để tham mưu cho huyện đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất.
Được biết trước đó, do đặc thù của huyện miền núi không có mặt bằng lớn và 1 số nguyên do khác, huyện Sơn Tây phải bạt một phần chân núi ở xã Sơn Mùa, xây dựng số trụ sở, cơ quan nêu trên để làm việc.
Trong quá trình xây dựng, đã có làm tường và rọ chắn để bảo vệ, chống sạt lở phía sau lưng cho số cơ quan trụ sở nêu trên.
Thế nhưng trong 2 đợt mưa lớn vào năm 2019 và 2022, hàng ngàn m3 đất nằm phía trên, đã bất ngờ đổ sạt xuống, phá tan tường rọ bảo vệ phía sau.
Rất may thời điểm xảy ra sạt lở là thời gian nghỉ, nên không gây thương vong cho số cán bộ, nhân viên và người đến làm việc tại số cơ quan, trụ sở này.