Mới đây, TAND quận Hai Bà Trưng vừa ra thông báo thụ lý vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đơn khởi kiện của ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Người bị kiện là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường.
Tòa án cho biết, ông Dương Thế Hảo nguyên là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp K26-27 hệ chính quy của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1989, ông Hảo hoàn thành thi tốt nghiệp với tất cả các môn. Sau khi hoàn thành khóa học, từ năm 1989, ông Hảo không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng. Chỉ tới khi ông có đơn khởi kiện ra tòa thì nhà trường mới trả bằng tốt nghiệp kèm theo hồ sơ, giấy tờ cá nhân cho ông.
Việc làm đó của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã gây ra hàng loạt hậu quả, thiệt hại cho cá nhân ông Dương Thế Hảo và gia đình trong thời gian dài.
Ông Hảo yêu cầu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bồi thường tổn thất từ việc giữ bằng đại học và hồ sơ cá nhân khiến ông mất quyền tham gia thành lập và sở hữu doanh nghiệp, quản lý điều hành doanh nghiệp, số tiền 5,4 tỷ đồng.
Trong đơn khởi kiện gửi tới tòa án, ông Hảo liệt kê chi tiết các khoản tiền yêu cầu nhà trường phải bồi thường gồm: Mất thu nhập từ lương 4,5 tỷ đồng; mất thu nhập ngoài lương 1,5 tỷ đồng; gây tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự 2,5 tỷ đồng; mất cơ hội tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ 3,6 tỷ đồng; mất cơ hội hưởng thụ các chính sách, ưu đãi cho cựu quân nhân 2,7 tỷ đồng; mất quyền sở hữu và định đoạt các tài sản thiết yếu 7,5 tỷ đồng.
Người đàn ông 65 tuổi cũng yêu cầu trường này bồi thường chi phí khai sinh, xin học cho các con; chi phí đòi các hồ sơ giấy tờ, thuê luật sư, chi phí hàn gắn hôn nhân, tổn thất về hạnh phúc gia đình… Tổng thiệt hại mà ông Hảo yêu cầu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phải bồi thường là 36,696 tỷ đồng.
Sáng 22/10, chúng tôi gặp ông Hảo tại nhà riêng trong ngõ thuộc phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Căn nhà rộng 80m2, cao tầng nhưng vắng bóng người, ông Hảo sống một mình tại đây.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Hảo cho biết, hành trình 30 năm đòi tấm bằng đại học và giấy tờ hồ sơ gốc có liên quan của ông vô cùng gian nan. Nó cũng là nguyên nhân khiến cuộc sống, công việc, thậm chí gia đình ông đã gặp không ít biến cố.
"Những năm đầu 1990, tôi được nhận làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Xí nghiệp kỹ nghệ đồ gỗ xuất khẩu Hòa Bình nhưng đến năm 1993 không lấy được bằng đại học nên buộc phải bàn giao vị trí đó cho người khác. Sau đó, tôi đã phải đi làm tất cả mọi việc có thể để trụ lại Hà Nội (ông Hảo quê gốc ở Bắc Giang - PV).
Ngay từ năm đó tôi đã đi đòi bằng tốt nghiệp đại học của mình nhưng nhà trường cứ khất lần, nay hứa mai hẹn với lý do thiếu phôi bằng tốt nghiệp. Hồ sơ lý lịch gốc của tôi cũng bị giữ lại trường. Bao nhiêu năm trời tôi gặp không ít khó khăn, vất vả khi đi xin việc làm, ổn định cuộc sống do hậu quả của việc này gây ra", ông Hảo kể lại.
Theo ông Hảo, khi lấy vợ và có con đầu lòng năm 1991, do không có hộ khẩu, hồ sơ cá nhân bị trường giữ nên vợ chồng ông không thể đăng ký kết hôn. Cũng từ đây, thêm nhiều câu chuyện trớ trêu xảy ra, con cái không làm được giấy khai sinh, vợ chồng mâu thuẫn…
"Con tôi phải đưa về quê để khai sinh. Con trai đầu sinh năm 1991 thì về quê ông bà nội ở Bắc Giang làm giấy khai sinh rồi ở đó học tập luôn. Đứa con thứ hai sinh năm 1998 thì được đưa về quê vợ ở Thái Bình để đăng ký. Phản ứng của vợ tôi rất khó chịu, không có hộ khẩu, không làm được giấy khai sinh như hôn thú vô thừa nhận.
Sau đó cô ấy mang theo con gái hơn 1 tuổi bỏ Hà Nội về quê Thái Bình làm khai sinh cho con và tìm việc làm và không quay lại nữa. Hôn nhân không có ngọn lửa sưởi ấm thường xuyên kiểu gì chẳng đổ vỡ, con cái mỗi đứa ở nơi, muốn trực tiếp quan tâm rèn giũa con cũng khó vì khoảng cách địa lý. Cuối cùng hôn nhân giữa chúng tôi cũng không tồn tại được", ông Hảo bày tỏ.
Thậm chí khi mua nhà, ông Hảo cũng phải nhờ người khác đứng tên. Ông không thể nhớ chính xác số lần tới Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đòi bằng vì quá nhiều. Ông cho rằng, sự việc trải qua "nhiều đời hiệu trưởng", qua nhiều trưởng và phó phòng đào tạo nhưng không ai giải quyết dứt điểm vụ việc của ông.
"Chắc phải mấy trăm lần tôi ngược xuôi quay lại trường đòi bằng tốt nghiệp, có những ngày tôi đến trường 3-4 lần, nhờ hết người này người khác. Tôi thực sự nể họ, đây cũng là ngôi trường tôi từng theo học trong 5 năm, rất đông thầy cô, anh chị làm cán bộ công nhân viên ở đó nên tôi có quan hệ tốt. Bởi vì quá nể tình cảm nên công cuộc đòi lại bằng của tôi thêm dài và có lúc đi vào ngõ cụt", ông Hảo nói.
Sau khi bị ông Hảo khởi kiện, năm 2019 tại tòa án, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trả bằng tốt nghiệp đại học và hồ sơ gốc cho ông Hảo. Ông Dương Thế Hảo khẳng định, mình tốt nghiệp đại học năm 1989 nhưng không được cấp bằng tốt nghiệp mà chỉ được cấp giấy xác nhận đã hoàn thành khóa học, đã thi tốt nghiệp để đi xin việc. Tính từ thời điểm "bị nợ bằng", từ năm 1989 đến năm 2019, khi TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử việc ông khởi kiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, là 30 năm.
"Ra tòa họ (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - PV) mới trả bằng đại học cho tôi, sau đó họ thông báo đã tìm thấy hồ sơ và trả lại sơ yếu lý lịch, hồ sơ đoàn viên, bằng tốt nghiệp cấp 3, học bạ cấp 3, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ cho tôi. Tất cả đều là bản gốc, bản chính", ông Hảo nói và cho biết đang cất giữ các giấy tờ này để sẵn sàng đưa ra tòa đòi bồi thường.
Sau khi nhận được giấy tờ, ông Hảo tiếp tục yêu cầu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phải bồi thường.
"Hành vi nêu trên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã gây thiệt hại cho tôi về tinh thần và vật chất trong suốt mấy chục năm qua. Mong muốn của tôi bây giờ là nhà trường phải chịu trách nhiệm những sai sót nghiêm trọng này vì nó ảnh hưởng rất nhiều tới cá nhân tôi, gia đình, con cái và người thân...", ông Hảo nói thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Phòng Truyền thông Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về vụ việc của ông Dương Thế Hảo phản ánh và sẽ thông tin cụ thể sau.