Tiếng Trung như chiếc chìa khóa mở ra cơ hội cho các bạn trẻ
Lê Mai Huyền (21 tuổi, quê Thanh Hóa) cảm thấy may mắn khi được định hướng học tiếng Trung sớm. Sau 6 năm học, cô đã mở ra cho mình nhiều cơ hội học thuật và tăng thu nhập trong thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường.
Là sinh viên ngành Báo chí, cô chia sẻ: "Biết tiếng Trung giúp tôi có cơ hội học tập và thực tập tại các đài truyền hình. Các cơ quan báo chí cần phóng viên có khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung, nên việc học tiếng Trung mang lại lợi thế cho tôi trong lĩnh vực này".
Làm việc bằng tiếng Trung, Huyền nhận ra rằng "có công mài sắt, có ngày nên kim". Cô đã có nhiều trải nghiệm thú vị trong vai trò KOC và giảng dạy tiếng Trung. Về thu nhập, Huyền tiết lộ: "Từ các công việc liên quan đến tiếng Trung như phiên dịch, dạy học và quảng cáo trên mạng xã hội, thu nhập của tôi dao động khoảng 500-800 triệu đồng/năm".
Xuất phát điểm là một học sinh trường huyện ở Lào Cai, Hà Kiara (24 tuổi) đã nhận thấy những thay đổi lớn trong cuộc sống kể từ khi học tiếng Trung. Hà Kiara tốt nghiệp Đại học Nam Kinh, Trung Quốc. Hiện tại, cô là nghiên cứu sinh Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
Hà chia sẻ: "Tiếng Trung đã mở ra cho tôi cơ hội du học và phát triển sự nghiệp sáng tạo nội dung. Nhờ ngôn ngữ này, tôi kết nối với cộng đồng người học trên toàn thế giới".
Theo Hà, tiếng Trung mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp, như phiên dịch và marketing cho các công ty Trung Quốc: "Là nghiên cứu sinh Thạc sĩ ngành Truyền thông, tôi thấy các xu hướng truyền thông của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến các nền tảng quốc tế.
Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, thương mại điện tử, du lịch, truyền thông và công nghệ, các công ty Trung Quốc đang mở rộng thị trường vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu về nhân lực có khả năng sử dụng tiếng Trung ngày càng tăng".
Đồng tình với quan điểm trên, cô Phương Lê (40 tuổi, quê Nghệ An), chủ sở hữu một trung tâm tiếng Trung chia sẻ về cơ hội du học từ việc học tiếng Trung: "Học tiếng Trung mang lại nhiều cơ hội nhận học bổng bán phần hoặc toàn phần từ chính phủ Trung Quốc, cùng với các chính sách hợp tác giữa hai nước. Sinh viên đại học có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ với học phí thấp hoặc miễn phí nếu giành được học bổng".
Cô nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, các công ty Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và doanh nghiệp hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da và công nghệ đang cần nhiều nhân lực biết tiếng Trung. "Biết thêm một ngôn ngữ là sống thêm một cuộc đời. Cơ hội phát triển là rất lớn, các bạn trẻ cần nắm bắt thời cơ cho mình," cô Phương Lê nói.
Chia sẻ với PV, cô Thanh Huyền, giảng viên tiếng Trung tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: "Đối với một sinh viên Báo chí, việc biết tiếng Trung cũng cho các em có thêm đặc quyền tại các cơ quan. Tiếng Trung như chiếc chìa khóa mở ra cơ hội mà chỉ riêng các bạn mới có".
Hơn nữa, theo cô Huyền, với sự năng động của sinh viên, việc học tiếng Trung sẽ giúp các bạn có thêm nhiều cơ hội ở ngành nghề khác xung quanh như: Sáng tạo nội dung bằng tiếng Trung, làm việc tại công ty truyền thông của Trung Quốc, biên - phiên dịch.
Không ít thách thức nhưng "dám bắt đầu thì dám sai, dám sửa"
Bên cạnh những cơ hội rộng mở, việc học tiếng Trung cũng là một thử thách lớn đối với nhiều người. Cô Phương Lê chia sẻ, trong quá trình học, người học có thể gặp phải nhiều khó khăn và thách thức khác nhau, từ việc phát âm, học từ vựng, ngữ pháp cho đến việc luyện tập giao tiếp.
Theo cô Phương Lê, khác với chữ cái Latin như tiếng Anh, tiếng Việt mà người Việt Nam thường hay sử dụng, tiếng Trung là chữ tượng hình, vì thế việc ghi nhớ mặt chữ, và viết chữ tiếng Trung chính là điểm thách thức lớn cho mỗi người khi bắt đầu tìm hiểu về tiếng Trung.
Thành công bước đầu là thế nhưng với Hà Kiara, quá trình học tiếng Trung của nữ sinh cũng gặp những khó khăn, thách thức.
"Mình phải rèn luyện khả năng nghe linh hoạt hơn vì giọng địa phương của người Trung khá đa dạng, thậm chí một số nơi khác biệt hoàn toàn với tiếng phổ thông mà mình được học", Hà nói.
Ở thời điểm đầu, Hà bị sốc khi tiếng nói của người địa phương không hoàn toàn giống với bản ghi âm trong sách giáo trình và hoài nghi về khả năng của bản thân. Nhưng khi học tập và tiếp xúc với ngôn ngữ ấy hàng ngày, nữ sinh cũng dần quen với những cách phát âm đó.
Hà Kiara chia sẻ: "Dám bắt đầu, dám sai và dám sửa là tinh thần cần thiết khi học tiếng Trung. Vượt qua nỗi sợ và bắt tay vào học là một thành công nhỏ, mở ra cơ hội mới cho bản thân. Chấp nhận sai lầm là điều quan trọng, vì mỗi sai sót đều mang đến bài học quý giá".
Hà nhấn mạnh thêm: "Học tiếng Trung là một hành trình liên tục và đầy thách thức, nhưng rất xứng đáng. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, vì mỗi bước đi, dù nhỏ, đều đưa bạn gần hơn tới mục tiêu".
Nhận định về những khó khăn của sinh viên Việt Nam khi chọn tiếng Trung, cô Thanh Huyền cho rằng, bên cạnh những khó khăn trong việc học như học phát âm, ngữ pháp và chữ viết, môi trường học tập là một yếu tố đóng vai trò quan trọng mà các sinh viên đang thiếu sót.
"Bởi học ngôn ngữ là phải tiếp xúc thường xuyên, nếu không có cơ hội giao tiếp liên tục với người bản xứ hoặc tự tạo lập môi trường giao tiếp cho chính mình, các bạn sẽ khó cải thiện kỹ năng nghe nói một cách tự nhiên", cô Huyền cho biết.