Vũ Duệ (1468 – 1522), tên thật là Vũ Công Duệ, Vũ Nghĩa Chi, quê ở làng Trình Xá, xã Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay là xã Vĩnh Lại, Lâm Thao, Phú Thọ). Ông được mệnh danh là “thất tuế thần đồng”, từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người.
Trong dân gian truyền lại câu chuyện Vũ Duệ năm 4 tuổi đột ngột qua đời vì bệnh đậu mùa. Gia đình ông đau xót an táng con, vì nghèo mà chỉ có thể bó con trong chiếc chiếu cói. Một chú chó từ đâu chạy đến, nằm bên cái xác, thấy người đến mang đi chôn thì sủa inh ỏi. Cảm giác có điềm lạ nên người nhà cũng chần chừ chưa dám chôn Vũ Duệ.
Đến tối, trời bỗng mưa to. Cơn mưa vừa dứt thì có tiếng trẻ con khóc, Vũ Duệ bỗng sống lại khỏe mạnh như chưa có gì xảy ra. Theo nhà bác học Lê Quý Đôn thì vì bệnh đậu mùa vốn nóng, gặp được cơn mưa to nên giải được nọc độc, nhờ đó Vũ Duệ sống lại.
Năm 1490, Vũ Duệ đi thi dưới thời vua Lê Thánh Tông và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ. Ông được triều đình bổ nhiệm làm Tham chính xứ Hải Dương, sau thăng lên làm Lại bộ Thượng thư kiêm Đông Các Đại học sĩ nhập thị Kinh diên, hàm Thiếu bảo, tước Trình Khê hầu, ban phong là Trinh ý công thần.
Vua Lê rất tin dùng Vũ Duệ, triều đình thì nể trọng tài năng của ông. Suốt hơn 30 năm vị trạng nguyên này đã phục vụ 6 đời vua Lê và không hề để lại điều tiếng nào.
Về sau, Mạc Đăng Dung có ý cướp ngôi, nhiều quần thần bắt đầu ngả theo phía nhà Mạc để mong được bổng lộc, chỉ có Vũ Duệ vẫn một lòng theo vua Lê Chiêu Tông. Vua vì lánh nạn nên năm 1522 bí mật chạy đến Thanh Hóa. Biết chuyện Vũ Duệ cũng theo hộ giá nhưng không kịp. Đến cửa biển Thần Phù, Vũ Duệ treo ấn Ngự sử vào cổ, quay đầu về Lam Kinh vái lạy lăng miếu các vua Lê rồi quyên sinh tỏ lòng trung nghĩa.
Thời vua Lê Huyền Tông sau này đưa công tội ra luận, xếp Vũ Duệ vào hàng ngũ đại công thần. Ông là người đứng đầu trong danh sách 13 công thần tử tiết. Vị trạng nguyên này còn được truy phong là Thượng đẳng phúc thần. Đền thờ của ông được gọi là “Trạng nguyên tiết nghĩa từ”. Đền thờ Vũ Duệ nay nằm giữa làng Trình Xá, vẫn còn tấm biển khắc 4 chữ “Vương thất huân lao” do vua ban tặng. Vào ngày 16/8 âm lịch hàng năm, người dân lại tổ chức lễ tế ông.