Dân Việt

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tôi không muốn sau bão Trà Mi, có đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật

Trương Hồng 23/10/2024 17:32 GMT+7
"Cần triển khai phương châm 4 tại chỗ để phòng, chống bão Trà Mi, sau cuộc họp này, các địa phương cần vào cuộc ngay không nên chậm trễ. Tôi không muốn sau bão có đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Không nên chủ quan khi nhìn thấy trời đang nắng

Chiều 23/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác triển khai ứng phó với bão Trà Mi (bão số 6). Chủ trì ở điểm cầu UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh, đây là cơn bão được dự báo rất mạnh, nên chiều nay UBND tỉnh tổ chức ngay cuộc họp khẩn. Trên tinh thần quyết liệt trong công tác phòng, chống bão, ngay bây giờ từ tỉnh đến thôn, bản phải quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống bão nhằm giảm thiệt hại thấp nhất có thể.

"Đặc biệt, chúng ta không nên chủ quan khi nhìn thấy trời đang nắng, nắng này rất nguy hiểm, người dân không nên chủ quan và phải hết sức cảnh giác, phòng chống bão, lũ được đặt lên trên hết...", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Đại diện Đài khí tượng Thủy văn Quảng Nam nhấn mạnh, cơn bão số 6 này giống như cơn bão số 9 năm 2020, đường đi và thời gian đổ bộ giống nhau, có đường đi phức tạp, cường độ mạnh. Cơn bão số 9 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thiệt hại nặng, nên ngay bây giờ cần phải có biệt pháp để ứng phó nhằm giảm thiệt hại thấp nhất có thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tôi không muốn sau bão Trà Mi, đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì họp trực tuyến về ứng phó bão số 6 Trà Mi. Ảnh: T.H

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, về hồ chứa, có 17 hồ do Công ty thủy lợi Quảng Nam quản lý, có 6 hồ đầy là Đá Vách, An Long, Phú Lộc, Thạch Bàn; Nước Rôn và Khe Tân; 3 hồ tích nước đạt dưới 40%; 6 hồ tích nước đạt từ 40-80%; 2 hồ tích trên 80% là Trung Lộc (82,61%), Hương Mao (99,03%).

Đối với 56 hồ do địa phương quản lý, có 18 hồ đầy nước; 11 hồ mực nước dưới tràn từ 0 - 1m; 7 hồ mực nước dưới tràn từ 1 - 2m; 4 hồ mực nước dưới tràn từ 2 - 3m; 4 hồ mực nước dưới tràn từ 3 - 4m; 3 hồ mực nước dưới tràn từ 4 - 5m; 2 hồ mực nước thấp hơn tràn trên 5m; 7 hồ không tưới (Đồng Minh, Mười Tấn, Khe Bò, Khu Ủy, Vủng Nổ, Mùa Thu, Hố Trầu).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tôi không muốn sau bão Trà Mi, đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật- Ảnh 2.

Nếu bão đổ bộ, tỉnh Quảng Nam đưa ra phương án, kịch bản di dời dân, trong đó dự kiến đối với bão mạnh sẽ di dời dân xen ghép, sơ tán tập trung là 189.673 người; đối với siêu bão số người di dời xen ghép và sơ tán tập trung là 380.988 người.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ để phòng, chống bão 

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: "Hiện các huyện miền núi của tỉnh, đất, đá đã bão hòa rất dễ xảy ra sạt lở. Để ứng phó các địa phương sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh đó công tác sơ tán dân phải thực hiện 100% trước khi bão vào, sau bão sẽ lũ lụt, vì dự báo sẽ có lượng mưa lớn. 

Nếu bão đổ bộ, tỉnh Quảng Nam đưa ra phương án, kịch bản di dời dân, trong đó dự kiến đối với bão mạnh sẽ di dời dân xen ghép, sơ tán tập trung là 189.673 người; đối với siêu bão số người di dời xen ghép và sơ tán tập trung là 380.988 người".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tôi không muốn sau bão Trà Mi, đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật- Ảnh 3.

Các lực lượng chức năng giúp dân di chuyển thuyền lên bờ khi bão đổ bộ ở Quảng Nam trong các cơn bão trước. Ảnh: T.H

Cũng theo ông Trương Xuân Tý, thời gian gần đầy tình trạng xuất hiện ngập cục bộ tại đô thị nên ngay bây giờ đề nghị các đô thị như Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên và TP Hội An cần kiểm tra ngay công tác thoát nước nhằm giảm thiểu ngập úng cục bộ. 

Về tàu thuyền, đại diện Bộ Đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: "Hiện có 50 phương tiện đang đánh bắt xa bờ, đã có 6 phương tiện vào bờ an toàn, có 5 phương tiện hoạt động ở Trường Sa, hiện cũng an toàn; có 4 phương tiện ở khu vực Hoàng Sa, 4 tàu này đã liên hệ và đang hoạt động cách bờ 140 đến 180 hải lý, đơn vị đã liên lạc và yêu cầu 4 tàu này cơ động di chuyển xuống phía Nam, dự kiến sẽ vào bờ vào chiều mai 24/10.

Dự kiến tối mai (24/10), đơn vị sẽ bắn pháo hiệu 3 điểm trên địa bàn tỉnh để thông báo cho tàu thuyền vào bờ tránh bão và sẽ yêu cầu dừng không cho tàu thuyền ra khơi". 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tôi không muốn sau bão Trà Mi, đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật- Ảnh 4.

Quang cảnh họp trực tuyến phòng chống bão số 6 ở Quảng Nam. Ảnh T.H

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, dự kiến bão đi thẳng vào miền Trung, đến giờ này Quảng Nam dự kiến là tâm bão, vì diễn biến của bão hết sức khó dự đoán nên chúng ta cần rút kinh nghiệm trong tác phòng, chống.

"Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác sẽ thiệt hại nặng hơn, nên ngay bây giờ không được chủ quan, lơ là, cần triển khai các phương án phòng, chống một cách triệt để nhất. Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu chính quyền phải thường trực 24/24 để chỉ đạo phòng, chống bão số 6. 

Cần triển khai phương châm 4 tại chỗ,  sau cuộc họp này, các địa phương cần vào cuộc ngay không được chậm trễ. Tôi không muốn sau bão có đồng chí này, đồng chí kia bị kỷ luật", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng yêu cầu sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Cần kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ...