Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Bộ Công an là cơ quan thường trực HĐQG về tư pháp người chưa thành niên
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật quy định Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên là "hợp lý".
Đại biểu Hòa cũng đồng tình với dự thảo Luật quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), điều này phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay. Theo đại biểu, khi vi phạm, người chưa thành niên có thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thời gian tạm giam có thể lên tới gần 9 tháng đối với tội nghiêm trọng và gần 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng.
Nếu trong phạm vi áp dụng nên được chuyển hướng, thay vì đưa ra xét xử sẽ đảm bảo quyền được giáo dục, học hành cho người chưa thành niên.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (điều 53), theo đại biểu Hòa nhấn mạnh, việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật (cũng là kế thừa quy định của BLHS hiện hành) sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp người chưa thành niên có đủ điều kiện sẽ sớm được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay vì quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng, vừa kéo dài thời hạn, vừa phát sinh thủ tục tố tụng.
"Cơ quan công an, viện kiểm sát phát hiện các em, các cháu vi phạm mà ngay từ đầu đề xuất xử lý chuyển hướng là phù hợp. Nếu để Tòa án xử lý chuyển hướng, trong thời gian này, người chưa thành niên bị giam giữ hay tại ngoại cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, việc giao cơ quan điều tra công an, viện kiểm sát là phù hợp với quy trình, thủ tục rất tốt", ĐB Hòa nói.
Về tách vụ án hình sự, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, đây là vấn đề rất lớn, ông tán thành với quy định của dự thảo luật tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết. Quy định nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.
"Tôi thấy quy định như vậy phù hợp. TAND tối cao đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong Luật và giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án", đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, dự thảo luật quy định "Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm học sinh trường giáo dưỡng và người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng".
Theo giải thích từ ngữ như vậy, theo đại biểu, tất cả học sinh trường giáo dưỡng đều là người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính, học sinh trường giáo dưỡng còn bao gồm một số trường hợp người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật mà không phải là tội phạm.
Theo bà Nga, nên quy định như khoản 4 Điều 4 dự thảo thì nhóm này cũng là đối tượng người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Vì vậy, để thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính chính xác để nghị quy định rõ nội dung này, đại biểu Việt Nga cho rằng cần có sự phân biệt giữa học sinh trường giáo dưỡng là đối tượng chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng và đối tượng chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nữ đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị, trường hợp học sinh trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 4 điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính để thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính chính xác.
Về xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định, dự thảo Luật quy định, việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại phải có sự tham gia của người đại diện của họ.
Theo đại biểu, điều này là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên, đồng thời, nên cân nhắc xem xét quy định thêm về sự đồng ý của chính người chưa thành niên là người bị hại nếu người đó ở độ tuổi đã có những nhận thức nhất định (có thể từ 13 tuổi trở lên) đối với việc xem xét dấu vết trên thân thể, đặc biệt đối với những khu vực, bộ phận nhạy cảm, riêng tư.
Đại biểu Việt Nga cho rằng, điều này thể hiện sự tôn trọng cũng như tránh gây những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với người bị hại là người chưa thành niên.