Chu Văn An đức sáng như gương, dân chúng nơi nơi ngưỡng mộ; tâm trong tựa nước, quỷ thần chốn chốn kính cung; lại tài cao học rộng, hiền năng chính trực nước Nam xưa nay hiếm có. Vậy nên thân ở nơi thôn dã mà tiếng vang đến cửu trùng.
Song cuối đời Trần, thiên hạ bắt đầu loạn lạc mà Chu Văn An thì muốn giữ mình trong sạch ngoài vòng danh lợi, nên không có ý ra làm quan, bèn theo đòi Khổng Mạnh, mở trường dạy học. Học trò các nơi nghe tiếng, đến bái sư rất đông. Làng Huỳnh Cung (nay thuộc Tam Hiệp – Thanh Trì) nơi Chu Văn An dạy học vì thế mà thêm đông đúc.
Chu Văn An tính cách cương trực, sửa mình trong sạch, không màng danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Ngay từ hồi còn trẻ tuổi, ông đã tỏ ra thờ ơ với việc làm quan mặc dù ông học giỏi. Ông dựng nhà dạy học trên gò lớn giưa đầm tại quê nhà để dạy học trò. Xa gần nghe danh tiếng của ông, học trò đến xin học rất đông.
Trường Huỳnh Cung của ông không chỉ thu hút học trò tại quê mà còn thu hút học trò từ kinh thành Thăng Long, Kinh Bắc, Sơn Nam…cho đến cả Hồng Châu (Hải Dương), Hoan Châu (Nghệ An). Học giả Lê Quý Đôn cho chúng ta biết về Chu Văn An đi dạy học thường nói với các học trò rằng "phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau, đấy đều là phận sự của nhà Nho chúng ta". Ngô Thì Sĩ, viết trong cuốn "Việt sử tiểu án" rằng: "Văn An là người điềm đạm, giữ tiết hạnh rất nghiêm, không cầu lợi lộc cao sang, chỉ ở nhà đọc sách và dạy học".
Chu Văn An có nhiều học trò thành đạt, trong số đó có Lê Quát người vùng Ái Châu (Thanh Hóa), Phạm Sư Mạnh người vùng Hồng Châu (Hải Dương ngày nay)từng làm đến chức Nhập nội hành khiển. Trong lịch sử ngành giáo dục nước nhà, trường Huỳnh Cung do Chu Văn An sáng lập và dạy học là một cái mốc lớn.
Tiếng tăm uy tín của trường Huỳnh Cung cũng như tư cách của thầy Chu Văn An ngày càng lớn; vua Trần Minh Tông cho mời ông đến Thăng Long giữ chức Tư nghiệp tại Quốc Tử Giám và dạy học cho các Hoàng tử; trong đó có Trần Hiến Tông. Trong thời gian này, ông cũng dốc sức biên soạn bộ Tứ thư thuyết ước gồm mười quyển, thuyết minh tóm tắt bốn tác phẩm lớn của Nho giáo để dạy học. Ông là người có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.
Năm 1329, theo lệ nhà Trần, vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Vượng. Thái tử sau khi lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Khai Hựu. Vì lúc đó vua còn nhỏ tuổi, nên mọi việc triều chính vẫn do Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông giải quyết. Trong suốt thời kỳ này, Chu Văn An dốc sức dạy học ở Quốc Tử Giám, đặc biệt là việc dạy Thái tử Trần Hiến Tông để trở thành vị vua hiền. Ông đặt nhiều kỳ vọng vào Trần Hiến Tông, nhưng tiếc thay, Trần Hiến Tông đoản mệnh, qua đời quá sớm khi mới 23 tuổi.
Năm 1341, Trần Dụ Tông lên ngôi. Ban đầu, Trần Dụ Tông còn ít tuổi, quyền bính đều do Thượng hoàng Trần Minh Tông điều khiển. Bởi thế, dù có mất mùa dân đói nhưng việc chính trị vẫn còn nền nếp. Từ năm 1358 trở đi, Thượng hoàng mất, các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng không còn, triều đình bắt đầu rối loạn. Trần Dụ Tông chẳng những bỏ bê triều chính mà còn ra lệnh cho xây cung điện, tạo sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán. Trong nước, giặc giã nổi lên khắp nơi.
Trong khi đó tại triều đình, các bọn gian thần kéo bè kết đảng và trở nên lộng hành vô cùng. Các quan ngự sử vốn chuyên lo việc can ngăn vua nhưng cũng không làm theo. Vua Champa là Chế Bồng Nga mấy lần đem quân đánh phá kinh thành Thăng Long khiến nhà Trần nhiều phen khốn đốn. Đại Việt sử ký chép lại chuyện này như sau: "Doãn Định và Nguyễn Nhữ Vi làm sớ kháng nghị là thượng hoàng không thể vào ngự sử đài, lời lẽ rất kích thiết. Thượng hoàng bảo trước mặt rằng 'Ngự sử đài là một nơi trong cung điện, có cung điện nào mà thiên tử không được vào… Ngày xưa Đường Thái Tôn còn xem Thực lục, huống chi là vào đài'. Bọn Định còn cố cãi mấy ngày không thôi. Vua dụ bảo hai ba lần cũng không thôi. Đều bị cách chức".
Vốn là con người chính trực, ngay thẳng, thanh liêm của một nhà Nho có cốt cách, có uy tín cao trong triều, Chu Văn An không chỉ chăm lo công việc ở Quốc Tử Giám, mà còn tích cực tham gia một số công việc triều chính. Sau nhiều lần can ngăn Trần Dụ Tông không được, Chu Văn An đã soạn Thất trảm sớ dâng lên vua Trần Dụ Tông. Tiếc rằng bản Thất trảm sớ đó bị thất truyền đến nay vẫn chưa tìm lại được.
Sự việc này được các sử gia sau này ghi chép lại trong đó có nội dung xin chém đầu 7 tên gian thần gồm: Cung túc vương Trần Nhật Hạnh, Trần Ngô Lang, Bùi Khoan, Trâu Canh, Dương Khương, Đỗ Tử Bình, Trần Nhật Tinh để giữ yên việc nước và lòng muôn dân. Đó là Thất trảm sớ nổi tiếng trong lịch sử vì nó làm rúng động dư luận đương thời, và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ nhà Nho sau này.
Thất trảm sớ được Chu Văn An dâng trong bối cảnh loạn triều như vậy. Sau khi vua Trần Dụ Tông không trả lời, Chu Văn An đã treo mũ ở cửa huyền vũ (cửa phía bắc Hoàng Thành), từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay). Lấy biệt hiệu là Tiều Ẩn, ông bắt đầu sáng tác thơ ca ngợi vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên, bày tỏ khí tiết thanh cao và những trắc ẩn của mình.
Chu Văn An là một bậc hiền triết, bậc Thái Sơn – Bắc Đẩu trong làng Nho Đại Việt. Các sĩ phu đời sau đều xem ông như một người thầy tiền bối đáng kính trọng. Trong "Việt Giám thông khảo tổng luận", sử gia Lê Trung đánh giá: "Thất trảm chi sớ, nghĩa động quỷ thần" (Dịch nghĩa: Tờ sớ đòi chém 7 tên, nghĩa khí chấn động cả quỷ thần".
Cao Bá Quát viết thơ vịnh Chu Văn An:
"Tiết sạch lòng son chí dũng cường,
Muốn đem tài sức néo tà dương.
Sấm uy khôn chận người trung phẫn,
Sớ trảm kinh hoàng lũ quỷ vương…".
Phan Huy Chú sau này đã ngợi ca Chu Văn An: "Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được". Danh sĩ Nguyễn Văn Lý viết về Thất trảm sớ rằng: "Thất trảm vô vi tồn quốc luận, Cô vân tuy viễn tự thân tâm". ( Dịch là: Thất trảm sớ không được thi hành, cả nước bàn luận. Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng).
Năm 1370, sau những khủng hoảng chính trị trong Triều Trần, Trần Nghệ Tông lên ngôi vua; Chu Văn An có ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, rồi trở về núi cũ. Sau khi ông mất, tỏ lòng kính trọng đức độ, tài năng của ông, vua Trần Nghệ Tông truy tặng tước Văn Trịnh Công và ban tên thụy là Khang Tiết, Ông được đưa vào thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Cuộc đời Chu Văn An mãi là tấm gương sáng về lòng ngay thẳng, cương trực tiết tháo của một trí thức, nhà sư phạm mẫu mực cho muôn đời sau. Ông sáng tác tập thơ chữ Hán "Tiều Ẩn thi tập". Ngoài ra, Chu Văn An còn cùng với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố là những người đầu tiên dùng chữ nôm để sáng tác văn học. Mặc dù các trước tác của ông đã mất, nhưng với 12 bài thơ còn lại (được in trong cuốn Toàn Việt thi lục do Lê Quý Đôn sưu tập) đã thể hiện rõ tâm sự trĩu nặng buồn thương trước thời cuộc, đó cũng là tâm trạng của các nhà nho yêu nước cuối triều Trần, nặng lòng với đời mà tự biết mình không cứu vãn nổi thời cuộc đang bộc lộ rõ sự thoái trào, báo hiệu sự suy vi của Triều Trần.
Chu Văn An được coi là bậc tiền bối trong sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Ngày nay, tên của ông được đặt tên cho rất nhiều trường học và nhiều tên phố trong cả nước. Lăng mộ và đền thờ của ông nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; huyện Chí Linh, Hải Dương; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới tôn tạo năm 2007. Lễ hội tổ chức vào ngày 25-8 và 20-11. Khu di tích được xếp hạng quốc gia năm 1998. Câu đối thờ Chu An tại Khu di tích ghi: Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc /Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong Dịch :Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả/Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân!
Hàng năm, cứ mỗi dịp đầu xuân, du khách thập phương, giáo viên và học sinh các cấp học đều tìm về đền thờ Chu Văn An để thắp hương cho ông, như muốn tìm về không gian của người xưa dạy về đạo lập thân, tu nghiệp; sửa mình để tâm hồn trong sáng hơn trước gương các anh hùng, chí sĩ, hào kiệt nước Nam xưa.