Dân Việt

Những điểm sáng sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải 24/10/2024 18:33 GMT+7
Ngày 24/10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 250 đại biểu chính thức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi tích cực

Sau Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên Lần thứ III - Năm 2019, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2024 - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2024. Ảnh: V.K

Đến nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển; các chính sách dân tộc được thực hiện đã tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, phát huy được sự sáng tạo của người dân và toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.

Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai thực hiện Chương trình đã thể hiện chủ trương, đường lối nhất quán của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Nguồn vốn Trung ương và vốn tỉnh đã thực hiện trên địa bàn đạt 556,187 triệu đồng; nội dung chủ yếu thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.

Chương trình 135 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn từng bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thụ hưởng chương trình giảm 5%/năm; kết cấu hạ tầng vùng dân tộc được quan tâm đầu tư xây dựng; dân chủ được phát huy, người dân ở các xã, thôn được thụ hưởng đều nắm được thông tin cơ bản về nội dung của chương trình, biết được các quy trình và xác định được trách nhiệm, quyền lợi của mình, từ đó tham gia tích cực vào việc lựa chọn danh mục công trình, địa điểm xây dựng, nội dung hỗ trợ, tham gia giám sát việc thực hiện các tiểu dự án; việc bình xét, lựa chọn đối tượng đảm bảo quy trình dân chủ, công khai, minh bạch từ thôn, bản.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ việc thực hiện các tiểu dự án cụ thể từng nội dung như được hỗ trợ phát triển sản xuất, tham gia mô hình, có thêm việc làm trong các công trình áp dụng cơ chế đặc thù, được thụ hưởng từ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại thôn, bản.

Những năm qua, chính quyền các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, trong đó có việc giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ tệ thách cưới, tục kéo vợ... từ đó góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở mức cao.

Nhiều chỉ tiêu vượt ở mức cao

Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ III - năm 2019, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh dành nhiều sự quan tâm; các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã nỗ lực cố gắng, vượt mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả.

Đến nay, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên do Đại hội Lần thứ III - năm 2019 thông qua đều đạt và vượt, bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi mới, phát triển: 100% các xã trên toàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, 98% các xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh; 100% xã có trạm y tế trong đó trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 5,1%; giảm được 7/15 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Phát biểu tại đại hội, ông Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III giai đoạn 2019 - 2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là việc ban hành Nghị quyết số 04-NQTU ngày 14/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo; cộng đồng các dân tộc thiểu số hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên diện mạo mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã đạt những kết quả khá toàn diện, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đạt cao hơn mức bình quân chung của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2024 - Ảnh 2.

Ông Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc phát biểu tại đại hội. Ảnh: V.K

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc nhấn mạnh, những thành tựu đạt được trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III của tỉnh Thái Nguyên rất đáng tự hào, là quyết tâm chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những cố gắng nỗ lực đó đã từng bước làm "thay da đổi thịt" vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh nhà, góp phần cùng với đồng bào dân tộc thiểu số cả nước không ngừng thực hiện công cuộc đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Tại đại hội đã tiến hành trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 1 tập thể, 5 cá nhân; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho 5 cá nhân; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 23 tập thể, 60 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc.