Với quan điểm "đất đai là nguồn tài nguyên không tái tạo nên cần quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất hiện có", thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, Thái Bình đã thực hiện khá tốt công tác quy hoạch và bán đấu giá quyền sử dụng đất dân cư, tạo nguồn vốn đáng kể cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, giải quyết căn bản tình trạng nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, các cấp uỷ, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện khá tốt việc quy hoạch và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất dân cư đáp ứng nhu cầu đất ở của người dân, góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Quy trình, thủ tục về quy hoạch, thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân từng bước được hoàn thiện, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển nhà ở và quy hoạch nông thôn mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, Thái Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác quy hoạch dân cư, quản lý nhà nước về đất đai, nhất là ở cấp chính quyền cơ sở còn bộc lộ những hạn chế. Tài nguyên đất đai chưa thực sự được xem là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; một số địa phương còn sử dụng đất lãng phí.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện quy hoạch dân cư ở các địa phương thời gian qua chủ yếu là hình thức nhỏ lẻ, phân tán, bám đường giao thông, tận dụng hạ tầng hiện có, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng các khu đất bên trong, dễ dẫn tới lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai; một số địa phương thực hiện việc quy hoạch dân cư và tổ chức đấu giá các khu đất để đạt đủ số thu nhưng giá trị quyền sử dụng đất thấp, hiệu quả sử dụng đất không cao. Cùng với quá trình đô thị hóa, kiến trúc công trình nhà ở khu vực nông thôn mất dần phong cách kiến trúc nhà ở truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Theo ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, giai đoạn trước năm 2019, quy hoạch dân cư nông thôn được UBND các huyện đánh giá, phê duyệt trên cơ sở đề xuất của cơ quan lập quy hoạch là UBND cấp xã, theo nhu cầu của từng xã, nhưng về cơ bản là quy hoạch, bán đấu giá những dải đất mỏng bám mặt các trục đường, tận dụng hạ tầng hiện có, không đầu tư đầy đủ, đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho dân cư mới; đồng thời không khai thác được quỹ đất phía sau, gây hoang hóa, giảm tổng thể hiệu quả sử dụng đất. Ngoài ra, do tính chất quy hoạch cục bộ nên khả năng kết nối của các dải dân cư bám mặt đường này với dân cư hiện có là không có, ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan và văn hóa truyền thống của nông thôn.
Để khắc phục thực trạng này, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình đã thống nhất chủ trương: Từ ngày 01-3-2019 dừng việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để quy hoạch dân cư và bán đấu giá quyền sử dụng đất theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán, bám mặt đường giao thông (trừ các khu đất có diện tích nhỏ, chéo méo, xen kẹp trong khu dân cư); chuyển sang thực hiện thí điểm quy hoạch các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có quy mô từ 3 đến dưới 10 ha/khu ở những địa phương có điều kiện về quỹ đất và có nhu cầu về phát triển nhà ở để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án đầu tư.
Đối với những khu đất đã được UBND tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện quy hoạch dân cư trước ngày 01-3-2019 được tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với những khu đất đang trong quá trình đề xuất quy hoạch dân cư, chưa được UBND tỉnh phê duyệt, địa phương thực sự có nhu cầu về đất ở và cần nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới phải tiến hành rà soát, điều chỉnh lại để thực hiện theo hình thức quy hoạch các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Chủ trương mới về việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện quy hoạch dân cư theo hướng hình thành các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với quy mô, kiến trúc phù hợp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã đáp ứng nhu cầu đất ở của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Phạm Việt Anh, chủ trương này đã chấm dứt hoàn toàn việc các địa phương chỉ quy hoạch, khai thác quỹ đất và hạ tầng sẵn có; quỹ đất quy hoạch dân cư được chuyển sang các vị trí nằm liền kề với những khu dân cư hiện có, kết nối thuận lợi với các thiết chế văn hóa thôn, làng, không chỉ bám mặt đường mà còn được khai thác vào khu đất bên trong. "Về tổng thể, chủ trương đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong tỉnh về quy hoạch dân cư nông thôn"- Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình nhấn mạnh.
CHUYÊN MỤC "THÁI BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI"