Ngày 25/10, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục tổ chức phiên xét xử vụ cháy quán karaoke An Phú, Bình Dương khiến 32 người chết.
Kết thúc phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Phạm Thị Hồng công tác tại Đội tổng hợp của Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương) bất ngờ bật khóc, liên tục nói mình bị oan ức trong vụ án này. Trong khi 5 bị cáo đề nghị tòa xem xét theo quy định của pháp luật.
Theo bị cáo Hồng, nếu bảo hỗ trợ tiền cho gia đình các bị hại theo "tình người" thì sẵn sàng, do từ trước tới nay vẫn thường xuyên làm công tác từ thiện, thậm chí bỏ ra hơn 70 triệu đồng để mua thiết bị cho bác sĩ cứu chữa bệnh nhân.
Tuy nhiên, nếu phải bồi thường do phạm tội thì bị cáo Hồng không đồng ý. Lý do bị cáo Hồng cho rằng mình bị oan, không liên quan đến vụ án. Bị cáo Hồng nói tại tòa: "Bị cáo là cán bộ tổng hợp làm trong lĩnh vực cứu nạn cứu hộ, không liên quan đến việc làm hồ sơ cấp phép, thi công thiết kế, thẩm duyệt PCCC. Vì vậy, cáo buộc bị cáo phạm tội như cáo trạng là không đúng".
Ngoài ra, cũng theo bị cáo Hồng, thời gian qua bị cáo đã gửi nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng. Đồng thời, bị cáo Hồng cũng làm đơn tố cáo các cơ quan tố tụng do đã khởi tố oan bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Dương, năm 2017, Hồng là cán bộ công an công tác tại Đội tổng hợp của Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương). Mặc dù không có tư cách pháp nhân, không được cấp giấy phép kinh doanh lĩnh vực PCCC nhưng Hồng đã nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC cho cơ sở karaoke An Phú để nhận tiền.
Tiếp đó, Hồng thuê một người khác thi công, nhờ bị cáo Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh (đơn vị được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC) ký vào các biên bản để nghiệm thu, tác động với bị cáo Phạm Quốc Hùng để nghiệm thu cho cơ sở karaoke An Phú.