Ai đó đã nói, người phụ nữ nào cũng là bông hoa, dù vẻ ngoài thế nào cũng đẹp theo cách riêng của họ. “Ma chê quỷ hờn” như Thị Nở còn gặp được một Chí Phèo hết lòng hết dạ với mình. Thế nhưng, tất cả những điều này đều chỉ là lý thuyết nếu bạn biết đến Julia Pastrana.
Julia Pastrana sinh năm 1834 ở Mexico, được mệnh danh là người phụ nữ xấu xí nhất thế giới. Cô chào đời và mang sẵn trong mình hai hội chứng bệnh hiếm gặp, khiến khuôn mặt hốc hác, phủ đầy lông, xương hàm nhô. Thoạt nhìn Julia Pastrana chẳng khác gì một con khỉ đột, thậm chí còn gây sợ hãi với người đối diện.
Cũng vì khuôn mặt xấu xí mà Julia Pastrana trở thành mục tiêu của sự chế giễu, châm chọc. Cô không có bạn bè, thường bị bắt nạt. Thời thơ ấu của Julia Pastrana chìm trong những tiếng chửi rủa, mỉa mai đầy cay độc. Sau này, Julia Pastrana bị đưa vào trại trẻ mồ côi và sống ở đó đến khi tròn 20 tuổi.
Năm 1854, Julia Pastrana bắt đầu tìm đến nghệ thuật và biểu diễn ở sân khấu Gothic Hall. Bấy giờ xã hội thích những nhân vật kỳ dị, có vẻ ngoài xấu xí đặc biệt. Vì sinh ra đã xấu lạ, Julia Pastrana nhanh chóng được một ông bầu chú ý đến.
Tuy ngoại hình đáng sợ nhưng giọng hát của Julia Pastrana lại hoàn toàn ngược lại. Cô có giọng ca trong trẻo, vô cùng đẹp. Nhờ đó cô gái này trở thành ngôi sao mới nổi, được săn đón khắp nơi.
Julia Pastrana thường mặc váy đỏ, hát những bài ca dân gian Tây Ban Nha. Cô nàng trở thành cái tên bán vé ở các sân khấu mình buổi diễn. Về sau, tên tuổi của Julia Pastrana còn vươn rộng đến Cleveland, tổ chức cả lưu diễn quanh Canada và Mỹ. Nước Anh gọi cô là “người phụ nữ xấu xí nhất thế giới” nhưng vẫn được chú ý vì tài năng không thể phủ nhận.
Nhờ giọng hát du dương, khả năng ngôn ngữ tốt (có thể nói tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha…), Julia Pastrana đã kiếm bộn tiền.
Nhưng cuộc đời của Julia Pastrana vẫn chưa thể thoát khỏi bóng tối. Ông bầu Theodore Lent là người đã dìu dắt cô vào nghệ thuật, giúp cô được chú ý nhiều hơn. Nhưng khi Julia Pastrana đã trở nên nổi tiếng, Theodore bắt đầu lo lắng, sợ “cần câu cơm” của mình rơi vào tay người khác.
Để giữ Julia Pastrana ở lại bên mình, ông bầu Theodore bắt đầu tìm cách chiếm đoạt cô. Năm 1857, họ kết hôn với nhau giữa những tranh cãi của xã hội. Cuộc hôn nhân này cũng là cột mốc đánh dấu chuỗi ngày tủi nhục của Julia Pastrana. Bà bị xem như một món hàng, ép buộc biểu diễn không ngừng nghỉ, bị vắt kiệt sức. Ác độc hơn, chồng bà – Theodore thậm chí còn giới thiệu vợ là con lai của vượn và khỉ. Đây là cách để ông ta câu kéo sự chú ý của người xem.
Tháng 3/1860, Julia Pastrana mang thai con đầu lòng nhưng vẫn phải biểu diễn bất chấp ngày đêm. Cuối cùng bà vẫn sinh được một cậu con trai, có diện mạo lông lá giống bà. Vì sức khỏe yếu, 3 ngày sau cậu bé đã không qua khỏi. Đau buồn trước sự ra đi của con, Julia Pastrana cũng qua đời sau đó không lâu.
Vợ mất nhưng Theodore không hề đau buồn, ngược lại còn lợi dụng điều đó để kiếm tiền. Hắn ta bán thi thể của Julia Pastrana và con trai cho một giáo sư để ông nghiên cứu. Người giáo sư này đã mổ tử thi, ướp xác hai mẹ con rồi trưng bày ở bảo tàng của trường, cho mọi người đến xem và nghiên cứu.
Sau này Theodore lại vờ tiếc thương, cho biết mình đã bị lừa và muốn đưa xác vợ con về an táng. Dư luận thương cảm, giúp ông ta đòi lại xác vợ con, nhưng cuối cùng không có màn an táng nào. Thay vào đó, Theodore lại trưng bày chúng trong những buổi triển lãm, thu lợi từ mọi người. Sau nhiều lần di chuyển, thi hài của con trai Julia Pastrana không còn nguyên vẹn.
Năm 1990, Học viện pháp lý y khoa Na Uy đã mua lại thi thể của Julia Pastrana để trưng bày như một lời nhắc nhở về lòng trắc ẩn và ý thức đạo đức. Đến năm 2013, chính quyền Na Uy tác động để thi thể của hai mẹ con được mai táng theo nghi thức trang trọng. Có rất nhiều người tham dự buổi lễ này và gửi lời xin lỗi, bày tỏ sự kính trọng đến người phụ nữ từng bị cho là xấu xí nhất thế giới.